Mục Lục
Người ở trạng thái hưng cảm cao sẽ có năng lượng làm việc rất lớn
Isaac Newton là một nhà vật lý, nhà thiên văn học, nhà triết học, nhà toán học, nhà thần học và nhà giả kim người Anh, được nhiều người xem là một trong những nhà khoa học vĩ đại và có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử, với vai trò là nhân vật chính trong cuộc cách mạng khoa học.
Tuy nhiên, Isaac Newton đã từng bị các nha khoa học cùng thời nhận xét ông một kẻ rất khó đoán. Tâm trạng của ông nắng mưa thất thường, lúc thì hưng phấn tột độ, lúc lại đau khổ tột cùng.
Theo các ghi chép, Newton là một người rất lãnh đạm, hiếm khi kết bạn, dễ nổi cáu, nhạy cảm trước những lời chỉ trích. Các chuyên gia nhận định rất có thể Newton đã mắc chứng rối loạn lưỡng cực – hưng cảm và chứng loạn thần khác?
Vậy rối loại hưng cảm là gì nguy hiểm ra sao? Dưới đây là những phân tích từ chuyên gia.
ThS.BSNT Nguyễn Viết Chung, Giảng viện bộ môn tâm thần và tâm lý học lâm sàng, Đại học Y Dược (Đại học Quốc Gia Hà Nội), bác sĩ khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu và Quốc tế, Khoa Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện E, hưng cảm là một trong những biểu hiện gặp trong rối loạn lưỡng cực (pha hưng cảm và pha trầm cảm).
Bác sĩ Chung đang tư vấn cho bệnh nhân.
Hưng cảm là một hội chứng rối loại tâm thần gặp khá nhiều và gặp ở bất cứ ai. Một số người có rối loạn hưng cảm ở mức vừa phải thường khá là giỏi. Người hưng cảm có nhiều khả năng tài lẻ như: chơi đàn giỏi, viết văn hay làm thơ hay, học ngoại ngữ chơi thể thao giỏi… Do cảm xúc, năng lượng của họ luôn ở mức độ hưng phấn cao nên làm cái gì cũng rất tốt.
Nhóm người có rối loạn hưng cảm ở mức độ vừa (bệnh chưa nặng) khi làm bất cứ việc gì đều tập trung cao và hoàn thành công việc rất xuất sắc.
Bác sĩ Chung cho hay, rối loạn hưng cảm thường khởi phát từ lúc còn trẻ ở nhóm tuổi từ 15-30 tuổi, và có thể gặp ở bất cứ giai đoạn nào trong cuộc sống.
Các trường hợp rối loạn hưng cảm nặng sẽ xảy ra 2 trường hợp:
Trường hợp thứ nhất, bệnh nhân nói nhiều, nói không phù hợp và cho rằng mình có nhiều khả năng, nói năng phô trương và phi thực tế. Bệnh nhân có rối loạn hưng cảm khi nói chuyện với người ngoài thường tạo ra sự vui vẻ và thu hút.
Trường hợp thứ 2, bệnh nhân rối loạn hưng cảm khi có những lời nói phi thực tế bị gia đình phản đổi họ trở nên bực bội cáu ngắt. Họ sẽ nghĩ không ai hiểu họ, cả thế giới đang quay lưng với họ tính cách có thể thất thường gây gổ, hung hăng, có lúc lại buồn rầu vì không ai ủng hộ mình.
Một số triệu chứng khác của bệnh nhân rối loạn hưng cảm là bệnh nhân ngủ kém, ít ngủ. Thay về ngủ bệnh nhân có thể thức để làm văn làm thơ, đọc sách, dọn nhà, suy tính kế hoạch tương lai,…
Hưng cảm mắc ở bất cứ ai
Bác sĩ Chung đã từng tiếp nhận điều trị cho một trường hợp bệnh nhân là một nhà khoa học rất giỏi chị Mai Phương (tên nhân vật đã được thay đổi) mắc rối loạn hưng cảm tự cao.
Khi còn trẻ đã mang nét tính cách bộc trực, quyết đoán, nhưng cảm xúc có khi lại thay đổi thất thường, dễ buồn – vui, dễ cáu gắt. Thời điểm đến khám, chị Phương (54 tuổi) và biểu hiện các triệu chứng hưng phấn rất nặng. Qua khai thác từ gia đình thì được biết trước đó bệnh nhân đã có những đợt hưng phấn khoảng 2 tuần đến 1 tháng với mức độ nhẹ hơn từ khi lập gia đình và sinh con.
Chị Phương cực kỳ nhạy cảm với những thứ xung quanh mình: viết thơ văn rất hay. Bệnh nhân luôn nghĩ mình là một người phụ nữ tài giỏi và làm mọi thứ trong gia đình. Chị Phương luôn nghĩ mình là người làm bất động sản giỏi nên đã mở công ty bất động sản và thuê người làm.
Thậm chí để có tiền kinh doanh chị Phương đã bán hết nhà cửa vay mượn tiền để đầu tư bất động sản nhưng công việc của bệnh nhân thì bỏ bê.
Bệnh nhân sẵn sàng bỏ khoản tiền rất lớn để đi làm từ thiện trong khi nợ chồng chất. Cuối cùng chồng của chị Phương không chịu được được nên đã phải ly dị. Khi gia đình bệnh nhân góp ý, chị Phương đã từ mặt cả gia đình vì cho rằng không ai hiểu chị.
Sau đó, chị Phương vào viện điều trị bệnh lý nội khoa, gia đình bệnh nhân có trao đổi với bác sĩ về tính tình thay đổi của bệnh nhân, bác sĩ Chung đã được mời hội chẩn. Sau khi, điều trị hưng cảm bệnh nhân dần quay trở lại cuộc sống bình thường.
Ngoài chị Phương, bác sĩ Chung cũng đã từng điều trị cho một đại kiện tướng cờ vua người Mỹ (29 tuổi). Bệnh nhân sang Việt Nam du lịch cùng nhóm bạn. Bệnh nhân đang phải điều trị duy trì thuốc rối loạn cảm xúc lưỡng cực nhưng sang Việt Nam quên không mang theo thuốc uống. Thời gian ở Việt Nam bệnh nhân có sử dụng cần sa. Tất cả các yếu tố trên đã khiến cho bệnh nhân khởi phát pha hưng cảm. Bệnh nhân không ngủ đi lại liên tục và gây hấn, đánh nhau với người khác, hát hò cả đêm và phải đưa vào viện cấp cứu.
Trường hợp ca bệnh tiếp theo là nam thanh niên 20 tuổi (tại Nam Định). Trước khi, phải điều trị vì rối loại hưng cảm nam bệnh nhân từng học cấp 3 tại trường chuyên có tiếng tại tỉnh Nam Đinh và học rất giỏi. Bệnh nhân thi đỗ ngành Bác sĩ đa khoa của 1 trường Y nổi tiếng tại Việt Nam và trong thời gian học đại học tại đại học cũng luôn đạt được số điểm cao.
Tuy nhiên, vào cuối năm thứ nhất bệnh nhân đã gặp stress trong quá trình ôn thi và bị rối loạn hưng cảm. Bệnh nhân sống một cuộc sống bay bổng không quan tâm tới học hành và luôn nghĩ đi thi sẽ đỗ (thực tế thì trượt tất cả các môn), tham gia vào mọi cuộc tranh luận trên mạng xã hội thâu đêm. Sau đó, bệnh nhân đã phải bị cưỡng chế vào viện điều trị. Sau điều trị bệnh nhân ổn định ra viện và duy trì uống thuốc.
Hay như trường hợp nữ bệnh nhân (gần 50 tuổi, quê tại Thái Bình) trước khi vào viện bệnh nhân đã đi khám rất nhiều bệnh viện và được chẩn đoán rối loạn lên đồng xâm nhập.
Rối loạn hưng cảm sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của người bệnh, ảnh minh hoạ.
Theo người nhà bệnh nhân chia sẻ, ở nhà bệnh nhân nói rất nhiều đêm không ngủ và cúng bái cả ngày. Bệnh nhân luôn cho rằng mình có khả năng hô mưa, gọi, gió, nói chuyện được với người âm… Khi có ai phản đối thì bệnh nhân sẽ quay ra đánh tất cả mọi người.
Bác sĩ Chung cho hay, bệnh nhân không phải hành nghề thầy cúng mà là một giáo viên. Khi có cơn hưng cảm bệnh nhân tự cho mình có nhưng khả năng khác người. Hội chứng hưng cảm của bệnh nhân là cảm giác tự cao và mang màu sắc tôn giáo.
Do bệnh nhân đánh tất cả mọi người khi không được chấp nhận có khả năng hô mưa gọi gió. Sau 1 tuần bệnh nhân không ngủ đi khắp nơi xem tay cho mọi người, trang điểm, mua sắm, ăn mặc sặc sỡ, lấy tiền cho những người nghèo trong xóm; người nhà đã phải đưa tới viện điều trị. Bệnh nhân hết hoang tưởng, hết tự cao bệnh nhân đã được ra viện và uống thuốc theo đơn bác sĩ.
Hội chứng hưng cảm có 3 đặc điểm: Hưng phấn trong suy nghĩ (nhiều ý tưởng trong đầu, chuyển chủ đề nhanh và luôn nghĩ mình tài giỏi); Hưng phấn trong cảm xúc (lúc nào cũng vui vẻ, khi bị chống đối thì cáu gắt, bực bội và sẵn sàng tấn công người khác); Hưng phấn trong hành vi (đi lại nhiều, làm nhiều thức, không thể ngồi yên một chỗ…).
Nguyên nhân hưng cảm có thể do tổn thương não hoặc bệnh nội sinh liên quan tới yếu tố gen và di truyền, ở giới trẻ ngày nay khởi phát sau sử dụng chất tác động tâm thần như cần sa, ma túy đá, bóng cười hoặc sau giai đoạn stress tâm lý.
Bác sĩ Chung khuyến cáo, hưng cảm thường nằm trong rối loạn cảm xúc lưỡng cực để nhận biết sớm hội chứng và điều trị hiệu quả cần lưu ý các dấu hiệu:
– Người đó trở lên thay đổi khác thường: nói nhiều, đi lại nhiều, có nhiều ý tưởng, hoài bão, rộng lòng muốn đi làm tự thiện… trước kia bệnh nhân không như vậy.
– Bệnh nhân sẽ bị rối loạn giấc ngủ.
– Bệnh nhân hay khởi phát ở nhóm tuổi trẻ từ 15-30 tuổi vì vậy các bậc phụ huynh, người thân trong gia đình cần phải chú ý.