Mục Lục
Niềm đam mê từ nhỏ và hành trình theo đuổi những âm thanh nhạc cụ
Từ nhỏ khi còn ở quê, anh Nguyễn Bửu Thăng đã mê mẩn và tự làm ra những nhạc cụ mình thích, với những dụng cụ thô sơ, mộc mạc, và sự hứng thú của tuổi thơ yên bình tại Bình Phước.
Hành trình chỉ bắt đầu sau khi anh học hết phổ thông. Ban đầu, anh lặn lội ra Hà Nội, đi tìm một thầy dạy làm đàn violin có tiếng ở Việt Nam. Tuy nhiên, anh không được nhận vì anh chẳng có kiến thức căn bản của ngành mộc. Không bỏ cuộc, quay về TP.HCM, anh tìm học các kỹ thuật gia công ngành mộc và theo học nghề làm đàn guitar. Song song với đó, anh theo học nhạc và học kỹ thuật gia công Guitar.
Anh Thăng đang hoàn thiện các phím đàn
Sau khi tốt nghiệp, anh đi dạy nhạc và mở một trung tâm dạy nhạc, đồng thời những lúc có thời gian anh đã tạo ra những sản phẩm Guitar handmade đầu tiên. “Mình đã có một thời gian đi dạy nhạc, và biểu diễn, tuy nhiên đam mê quá lớn với nghề làm đàn nên mình quyết tâm dành trọn thời gian cho công việc này. Mình luôn tìm tòi, học hỏi, trau dồi và trải nghiệm từ từ, xem mọi thứ tổng thể trong nghề được ghép lại bởi nhiều chi tiết như 1 sản phẩm Guitar handmade. Từ việc tìm nguyên liệu, tìm những món đồ nghề, cho đến kiến thức về sơn, kiến thức về âm thanh…”
Hiện tại sau hơn 15 năm anh cũng mở được một xưởng làm đàn nhỏ, ở đó anh có thể dạy nhạc đồng thời đi tiếp với đam mê của mình.
Anh Thăng đang bào lại phần mặt đàn
Tận tâm với nghề làm đàn
Theo anh thì một cây đàn thủ công hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn, mà nếu kể ra thì phải đến 50 bước khác nhau. Trong các bước này thì công đoạn nào cũng có những khó khăn nhất định và phải tập trung và chú tâm hết mực để có thể ra một thành phẩm hoàn chỉnh. Mỗi công đoạn đều được anh Thăng làm một cách cẩn thận, chăm chút để chiếc đàn hoàn thiện hết mức có thể.
Các dụng cụ, đồ nghề để làm đàn được anh sắp xếp một cách cẩn thận
Vợ chồng anh Thăng và chị Tâm đang xem lại phần mặt gỗ cho thân đàn
Như những mảnh gỗ trên thân đàn, tất cả được bào mỏng từng lớp, luôn luôn kiểm tra âm thanh phát ra của nó , để đảm bảo không một sai sót nào theo yêu cầu của sản phẩm. Bên trong thân đàn, hệ thống khung và đố đỡ dược anh dán keo kỹ lưỡng. Mỗi công đoạn đều tỉ mỉ và mất thời gian để chăm chút từ bên trong. Mất đến vài tháng để hoàn thiện.
Anh chia sẻ: “Mình rất đam mê với các loại gỗ của Việt Nam, thay vì phải nhập khẩu của nước ngoài. Với các sản phẩm được làm từ gỗ cẩm lai, gỗ trắc, đây là những loại gỗ cứng, chắc tiếng, và độ bền rất cao”.
Anh Thăng rất kỹ lưỡng trong việc lựa chọn các loại gỗ, vì đây là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên giá trị của cây đàn. Theo anh Thăng, công đoạn phức tạp nhất là gia công, phối trộn các tấm ván gỗ vào với nhau để tạo nên thân đàn, cần một độ chính xác và tỉ mỉ rất cao. Tạo đường viền cho thân đàn cũng là một bước rất quan trọng để tạo nên thẩm mỹ cho cây đàn.
Sau đó, anh Thăng sẽ ghép phần thân đàn, cần đàn với nhau bằng loại keo đặc biệt. Rồi tiếp đó là phần đánh vecni, anh sử dụng những vật liệu từ nước ngoài để bảo đảm chất lượng màu được đánh lên cũng như không làm ảnh hưởng đến chất âm của guitar.
Chị Lê Thị Thanh Tâm – vợ anh Thăng, cùng chồng của mình làm các công đoạn cho một chiếc đàn handmade. Hai vợ chồng anh chị, mỗi người sẽ làm một công đoạn khác nhau.
Trên phần ngựa đàn, xương đàn được anh làm thủ công và thử lại nhiều lần để đảm bảo chất lượng âm thanh. Anh Thăng cho biết lợi thế khi làm đàn thủ công là trong quá trình làm có thể theo dõi, lắng nghe kỹ lưỡng từng chi tiết, từng công đoạn nhỏ nhất, để cây đàn phát ra những âm thanh hay và các chi tiết được hoàn mỹ nhất.
Anh Thăng cùng chị Tâm kiểm tra mặt gỗ sau khi được bào
Các loại đàn mà anh làm rất đa dạng, bao gồm guitar classic, guitar acoustic, guitar điện
Mỗi cây đàn được anh Thăng hoàn thiện trong khoảng thời gian từ 6 tháng cho đến 2 năm tùy độ phức tạp và yêu cầu của khách hàng. Các cây đàn đều được được anh nghiên cứu tỉ mỉ, làm một cách chi tiết, cẩn thận ở từng công đoạn. Anh không phải vì vội vã mà làm chiếc đàn thiếu cẩn thận mà anh luôn kỹ càng trong từng chi tiết như lỗ thoát âm, xương đàn, ngựa đàn, phím đàn, mặt phím…
Anh Thăng chia sẻ một câu chuyện rằng gần đây, một người bạn nước ngoài đã đến để đề nghị anh làm một chiếc đàn từ gỗ Rosewood Brazil (cẩm lai Brarzil). Người bạn này đã đem đến xưởng anh Thăng một bộ gỗ, với giá trị hơn 70 triệu đồng để hoàn thiện cây đàn theo ý muốn của họ.
Bên trong thân đàn là một hệ thống được làm tỉ mỉ để cây đàn có được chất lượng tốt nhất. Mặt sau thân đàn được ghép từ các tấm gỗ. Đây là hình ảnh của thân đàn trước khi được đánh vecni
“Mình sẽ cần ít nhất 1 năm để tìm các vật liệu phù hợp, nghĩa là những phần còn lại của cây đàn bao gồm cần đàn , mặt top (mặt đàn), mặt phím và các phụ kiện khác, mình phải săn tìm ở nước ngoài cho đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương, đó là tiêu chí của mình khi làm đàn”, anh Thăng cho hay.
Đường viền cho thân đàn handmade cũng được anh Thăng chăm chút kỹ lưỡng để tạo nên tính sự sắc sảo cho đàn
Theo anh Thăng, nghệ thuật của việc làm đàn chính là xử lý gỗ đến mức tối đa, nguyên chất nhất có thể. “Nghĩa là khi mình chế tác đàn mình phải đạt đến việc xử lý gỗ nguyên chất, không còn lẫn những tạp chất như nhựa, gỗ vụn. Khả năng của một người chế tác đàn cũng phần nào được thể hiện qua việc xử lý các khối gỗ trở nên nguyên chất nhất”, anh Thăng chia sẻ.
Kỷ niệm mà anh Thăng nhớ nhất là với chiếc đàn với hình ảnh cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bản thân là người đam mê âm nhạc, đã từng đi biểu diễn, và yêu các ca khúc nhạc Trịnh. Chiếc đàn được chế tác nhân ngày giỗ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, anh Thăng làm để tặng cho một người em. Tuy nhiên, anh đã đem nó về để làm kỷ niệm. Chiếc đàn được anh làm trong vòng 45 ngày, với mặt đàn được làm mô phỏng khuôn mặt của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và dòng chữ “Hãy đi đến tận cùng của sự tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”.
Trong ngày, anh Thăng sẽ làm việc từ khoảng 10 – 12 tiếng. “Có những ngày đang làm dở một công đoạn mà đã tối rồi thì thường mình sẽ làm tới sáng cho xong luôn. Nên giờ giấc cũng không cụ thể cho lắm. Miễn là làm xong công đoạn ấy là được”, anh Thăng cho biết.
Cây đàn có hình ảnh cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – cây đàn gắn với một kỷ niệm của anh. Cây đàn được anh hoàn thành nhân ngày giỗ của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, minh chứng cho tình yêu âm nhạc của mình
Anh Thăng đang bào phần cần đàn
Đối với anh Thăng, điều anh chú trọng nhất khi làm đàn là chữ “mộc”. Nếu các loại đàn công nghiệp thường được làm bằng cách mỗi bộ phận sẽ làm một công đoạn đàn thì ở mình có sự nhất quán và đồng bộ. Máy móc đối với mình chỉ là một phương tiện, còn điều tạo nên giá trị cây đàn chính là việc chăm chút cho từng chi tiết nhỏ nhất. Đối với các loại đàn công nghiệp thì đa số các công đoạn sẽ được làm bằng máy, còn điều tạo nên giá trị cho cây đàn chính là việc đi theo nó xuyên suốt ở từng chi tiết nhỏ nhất.
“Nhiều khách hàng lựa chọn mình dù biết thời gian để hoàn thiện một cây đàn cần thời gian rất dài, có khi nhiều tháng nhiều năm. Nhưng đổi lại là sự an tâm, chăm chút và mọi quá trình làm đàn đều một tay mình chế tác và kiểm tra. Trong từng giai đoạn thực hiện đơn hàng khách hàng có thể trải nghiệm sản phẩm của mình qua hình ảnh hoặc video có thể kiểm tra kỹ thuật hoặc nắm bắt tiến độ để tạo một sự tin tưởng và hài lòng đối với họ”, anh Thăng chia sẻ.
Tại xưởng đàn handmade guitar của anh Thăng, các dụng cụ bào, chế tác đàn đều được anh sưu tầm theo thời gian, đó cũng là một đam mê nho nhỏ, vì sưu tầm được một món đồ nghề mộc thủ công chuẩn và ưng ý cần có duyên và tìm hiểu ở trong nước và trên thế giới, cuối cùng cũng chỉ để để đảm bảo tính nguyên bản và tinh thần của loại đàn thủ công này. Anh Thăng cũng cho biết tiêu chí anh hướng tới là không quá chú trọng vào số lượng mà chỉ tập trung vào chất lượng, độ hoàn thiện của một cây đàn. Anh cũng chỉ làm đàn guitar theo những đơn đặt hàng của khách hàng chứ không làm sẵn hay bày bán bất kỳ loại đàn guitar nào.
Mỗi ngày, anh Thăng dành khoảng 10 – 12 tiếng ở xưởng đàn của mình
Những giây phút nghỉ ngơi của anh Thăng sau khi đã xong một công đoạn làm đàn guitar handmade
“Sửa chữa, phục chế cũng là một công việc”
Vì làm việc tại nhà nên giờ giấc của anh Thăng cũng rất linh động. Anh chia sẻ rằng nếu hôm nào căng thẳng hay rảnh rỗi sẽ cùng vợ của mình đi phượt qua các tỉnh thành như Đà Lạt, Đắk Lắk… hay các tỉnh Tây Bắc một vài ngày.
Sau khi đàn được hoàn thiện, anh Thăng sẽ tự tay đánh thử, căn chỉnh cho âm thanh được hoàn hảo nhất rồi mới giao cho khách hàng. Anh cho biết khi khách hàng nhận được đàn sẽ hoàn toàn hài lòng từ mẫu mã cũng như âm thanh của cây đàn, đó là điều mà anh luôn hướng tới.
Theo anh Thăng, nghề làm đàn handmade cần nhất là sự tỉ mỉ, chú trọng đến cách làm trong từng khâu nhỏ nhất
Anh Thăng cho biết khách hàng dù có ở xa cũng đến tận xưởng của anh để nhận đàn. Nhiều khách hàng đã sử dụng những chiếc đàn của anh Thăng làm ra 10 năm trước cũng thường xuyên gửi đàn để anh Thăng bảo trì căn chỉnh thay đay và kiểm tra kỹ thuật.
Cận cảnh quá trình làm phím đàn trên chiếc đàn guitar handmade
Trong tương lai, anh Thăng dự định sẽ mở một showroom để trưng bày những thành phẩm của anh trong những năm qua. Tuy nhiên, hướng đi của anh sẽ vẫn là làm đàn thủ công, các sản phẩm trưng bày đa số là hàng mẫu hoặc hàng thành phẩm của khách đặt trước, để đáp ứng những tiêu chuẩn do anh đặt và làm hài lòng khách hàng nhất có thể.
Không chỉ đam mê và gắn bó với việc làm đàn handmade, anh Thăng còn có một sở thích, đam mê với những chiếc xe cub 67 độ. Đây là thú chơi anh Thăng bỏ ra nhiều công sức. Hiện nay, anh đang sở hữu nhiều chiếc xe Honda 67. Đối với anh, việc “chơi” và chạy xe 67 giúp anh cân bằng cuộc sống của mình.