Cổ phiếu của ứng dụng giao đồ ăn đóng cửa phiên 31/3 giảm 26% với mức giá 287 bảng, khiến vốn hóa mất gần 2 tỷ bảng Anh. Trong khi đó, vốn hóa khi mở cửa phiên là 7,6 tỷ bảng Anh. Sự sụt giảm diễn ra bất chấp các ngân hàng hàng đầu là Goldman Sachs và JPMorgan nỗ lực để “trợ giúp”.
Sự thất bại nghiêm trọng của đợt IPO công nghệ lớn nhất tại London có thể ảnh hưởng đến tham vọng của chính phủ Anh trong việc thu hút các công ty tăng trưởng cao khác niêm yết tại đây. Hiện tại, London đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gắt gao từ các sàn giao dịch như Amsterdam.
Một số cố vấn, chủ ngân hàng và nhà đầu tư của Deliveroo đã nhanh chóng chỉ ra nguyên nhân của sự thất bại là nhóm nhà đầu tư bán khống đã “nhảy vào” khi thị trường mở cửa. Một người trực tiếp làm việc trong thương vụ này cho biết: “Có ít nhất 3 quỹ phòng hộ đã bán khống, theo tiết lộ từ các ngân hàng không liên quan đến đợt IPO.”
Tuy nhiên, những ý kiến khác trên thị trường đang đặt ra câu hỏi về buổi roadshow và cho rằng Deliveroo đã đưa ra mức định giá quá tồi tệ, đặc biệt là khi họ vấp phải sự phản đối cấu trúc cổ phiếu đa quyền từ các nhà quản lý quỹ.
Các cố vấn của Deliveroo đã nhu được 49 triệu bảng Anh tiền phí và vài triệu bảng từ các cổ đông bán lại cổ phần của công ty. Họ đã khiến một số nhà đầu tư không hài lòng khi từ chối tiết lộ về 3 “nhà đầu tư cố định” được cho là đang hậu thuẫn đợt IPO này. Nhóm này được cho là đến từ bên ngoài nước Anh, với 1 trong số đó đã là cổ đông của Deliveroo từ trước khi IPO.
Đợt roadshow còn gặp nhiều rắc rối hơn bởi cổ phiếu đa quyền đã giúp CEO Will Shu nắm giữ quyền biểu quyết quá lớn. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là Deliveroo sẽ không được đưa vào FTSE 1000. Theo đó, các quỹ đầu tư thụ động sẽ không thể theo dõi cổ phiếu này và gây ra sự phẫn nộ cho một số nhà quản lý quỹ lớn của Anh.
Trong khi đó, nhu cầu của thị trường đối với cổ phiếu công nghệ cao đã suy yếu đáng kể sau đợt IPO của công ty, khi lợi suất trái phiếu tăng và các nhà đầu tư bắt đầu bán cổ phiếu lĩnh vực này. Giá cổ phiếu các công ty cùng ngành với Deliveroo là DoorDash và Delivery Hero đều giảm trong tháng qua.
Bất chấp tốc độ tăng trưởng tăng lên trong thời kỳ đại dịch, Deliveroo vẫn lỗ nặng và đối mặt với tình trạng không chắc chắn về việc liệu dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến có tiếp tục phát triển sau khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ. Những yếu tố này đã khiến một số nhà đầu tư nản lòng. Trong khi đó, một số khác lo ngại nền kinh tế gig sẽ bị siết chặt kiểm soát.
Năm ngoái, Deliveroo đã lỗ 224 triệu bảng trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt và cảnh báo các nhà quản lý rằng họ đang đứng trên bờ vực phá sản vào 1 năm trước. Bất chấp sự sụt giảm trong ngày đầu tiên lên sàn, Deliveroo vẫn huy động được 1,5 tỷ bảng Anh trong đợt IPO và giúp công ty có đủ tiềm lực để đối đầu với các đối thủ như Uber và Just Eat Takeaway.com.
James Bevan – CIO của công ty quản lý đầu tư cho các tổ chức tôn giáo và từ thiện, lập luận sự thất bại này cũng là do thời điểm. Ông lưu ý rằng, khối lượng giao dịch thấp là do các nhà quản lý quỹ có xu hướng né tránh đặt vị thế mới trước thời điểm kết thúc 1 quý.
Dù đợt IPO diễn ra không như kỳ vọng có nguyên nhân là gì, thì một số nhà đầu tư công nghệ vẫn bày tỏ sự thất vọng. Họ cho rằng sẽ ngày càng nhiều doanh nhân Anh sẽ tìm đến SPAC để niêm yết tại New York.
Rishi Sunak – Đại Chưởng ấn Vương quốc Anh, là người có quan điểm muốn thu hút nhiều công ty công nghệ đến quốc gia này. Ông từng ca ngợi Deliveroo là “câu chuyện thành công của Anh” và cảm thấy tiếc trước diễn biến của cổ phiếu này trong vài ngày vừa qua. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng Facebook cũng là công ty gặp khó khăn khi mới niêm yết vào năm 2012.
Nhiều người có quan điểm lạc quan cũng chỉ ra Ocado – công ty kinh doanh dịch vụ giao đồ ăn khác, cũng có khởi đầu đầy sóng gió vào năm 2010. Sau đó, giá cổ phiếu công ty này đã tăng hơn 10 lần. Mark Tluszcz – CEO của Mangrove Capital Partners, cho biết: “Các nhà sáng lập không nên nản lòng. Deliveroo chỉ là được định giá quá cao.”
Tham khảo Financial Times