Người Việt ăn nhiều thịt , ít rau và nguy cơ thừa cân, béo phì, gia tăng các bệnh không lây nhiễm
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2017, hơn 541.000 người Việt tử vong, trong đó nguyên nhân do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 76%, đứng đầu là các bệnh tim mạch , đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gút…
Nguyên nhân chính dẫn đến những chứng bệnh này là thói quen ăn uống kém lành mạnh . Cụ thể là người Việt có kiểu ăn uống nhiều thịt nhưng lại quá ít rau xanh, củ quả… Theo một điều tra do Bộ Y tế tiến hành năm 2015 ghi nhận, có đến 57% người Việt trưởng thành ăn ít rau và trái cây.
Nguyên nhân chính dẫn đến những chứng bệnh này là thói quen ăn uống kém lành mạnh.
Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng ghi nhận trong thời gian gần đây, mỗi người Việt chỉ ăn khoảng 200g rau xanh một ngày, giảm so với vài chục năm trước và chỉ đạt một nửa so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) (khoảng 400g mỗi ngày).
Hơn một nửa dân số Việt Nam trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến cáo. Đặc biệt, nam giới lại càng lười ăn rau xanh hơn nữ giới, với 61,3% nam giới và 51,4% nữ giới chưa ăn đủ lượng rau xanh so với khuyến cáo.
Trong vòng 30 năm qua, mức tiêu thụ thức ăn từ động vật như thịt, cá đều tăng, đặc biệt mức tiêu thụ thịt của người tăng nhanh. Nếu như năm 1985 mức tiêu thụ thịt chỉ đạt 13,6g/ngày, đến tổng điều tra năm 2010, mức tiêu thụ thịt của người Việt đạt tới 85g/người/ngày. Trong khi đó, mức tiêu thụ rau xanh trong 30 năm qua không hề tăng lên, thậm chí giảm 10% nên lượng tiêu thụ rau của người Việt mới đạt được một nửa so với khuyến cáo của WHO.
Mới đây, tại Hội thảo tham vấn kỹ thuật xây dựng chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, ngày 30/3, Phó giáo sư Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ rằng trung bình một người Việt tiêu thụ 134 g thịt mỗi ngày, ở thành phố là 154 g, trong khi mức tiêu thụ theo khuyến nghị là 50-80g. Theo bà Mai, đây là thực trạng thừa dinh dưỡng đáng quan ngại.
Những con số ấy đã nói nên tất cả về những hệ lụy sau đó. TS.BS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hoá (Bệnh viện Bạch Mai) từng đưa ra nhận định, thói quen ăn nhiều thịt, ít rau của người Việt là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân mắc các bệnh tiêu hoá ngày càng gia tăng.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, lượng bệnh nhân đến khám vì các bệnh lý này tăng từ 10-20% mỗi năm. Trong đó hay gặp nhất là táo bón, tiêu chảy, trào ngược, rối loạn tiêu hoá, viêm loét dạ dày, tá tràng, trực tràng… và cả ung thư.
PGS.TS Lê Bạch Mai (nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia) nhấn mạnh, việc ăn nhiều thịt, ít rau còn liên quan trực tiếp đến tình trạng thừa cân, béo phì, gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Khảo sát cho thấy, người dân nông thôn ít bị bệnh tim mạch, ung thư ruột già, đái đường, táo bón hơn so với dân thành thị. Lý do vì họ ăn nhiều thực phẩm có chất xơ hơn, còn người thành thị ăn nhiều thịt và mỡ, ít thực phẩm có chất xơ.
Phòng tránh bệnh đường ruột, ung thư đường tiêu hóa… nhờ thay đổi thói quen ăn nhiều thịt, ít rau
Giới chuyên gia khuyến cáo, để phòng tránh bệnh tật nói chung, các bệnh đường tiêu hóa nói riêng, thay vì ăn nhiều thịt, ít rau, mỗi người cần tăng cường ăn rau xanh, củ quả, hạn chế lượng thịt tiêu thụ mỗi ngày.
Để phòng tránh bệnh tật nói chung, các bệnh đường tiêu hóa nói riêng, thay vì ăn nhiều thịt, ít rau, mỗi người cần tăng cường ăn rau xanh, củ quả, hạn chế lượng thịt tiêu thụ mỗi ngày.
Cụ thể, mỗi người cần ăn đủ 5 suất rau, tương đương 400g rau xanh và quả chín mỗi ngày. Điều này có thể làm giảm 2 lần nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mỡ máu và tăng khả năng dự phòng với các bệnh không lây nhiễm khác. Mỗi suất rau hoặc trái cây 80g tương đương với một trái chuối, táo, kiwi cỡ vừa hay một bát rau xanh, nửa cốc nước ép rau quả.
Có thể đảm bảo nhu cầu chất xơ đối với người từ 24 tháng tuổi trở lên bằng cách mỗi ngày ăn 2 lần các loại quả, 3 lần hoặc hơn các loại rau. Số lượng mỗi lần ăn cần phù hợp với lứa tuổi.
Ngoài ra nên duy trì những thói quen ăn uống lành mạnh khác. Đặc biệt nên ăn nhạt. Điều này hoàn toàn có thể điều chỉnh từ thói quen nấu nướng, ăn uống ở nhà. Hạn chế tối đa việc tiêu thụ đồ ăn nhanh, dưa cà muối…
Bên cạnh thói quen ăn uống lành mạnh cần hạn chế rượu, bia, bỏ thuốc lá; hoạt động thể lực đều đặn 30-60 phút mỗi ngày; chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý, tránh stress… Để thay đổi lối sống lười vận động, bạn cũng cần thực hiện từ từ để duy trì lâu dài và đạt hiệu quả cao nhất. Đầu tiên có thể chỉ thực hiện 5-10 phút đạp xe, đi bộ rồi tăng dần theo từng ngày, có thể duy trì 30-60 phút mỗi ngày…