Ngày 31/3/2021, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng kinh tế năm 2021, đồng thời công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2020.
Cũng như các nước khác cùng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã có những phản ứng chính sách kinh tế nhanh chóng và phù hợp. Nhờ đó, những tác động kinh tế tiêu cực đã phần nào được khống chế và Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng hiếm hoi của tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm qua.
Tuy nhiên, bên cạnh dư địa hạn hẹp về tài khóa và tiền tệ, việc thiết kế và thực thi chính sách, theo nhóm nghiên cứu, vẫn còn bất cập. Nhóm nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị:
Trước tiên, ở cấp độ định hướng vĩ mô, do dư địa tiền tệ không có nhiều ở giai đoạn trước (thể hiện qua lãi suất thực dương thấp và tỷ lệ cung tiền/GDP cao) và càng trở nên hạn hẹp trong thời kỳ xảy ra đại dịch, nên nền kinh tế luôn phải đối mặt với sức ép tiềm ẩn về lạm phát hoặc bong bóng tài sản, biểu hiện qua những cơn “sốt” trên thị trường đất đai, chứng khoán thời gian vừa qua.
“Đó là những tác động không mong muốn của chính sách tiền tệ” – PGS. TS Phạm Thế Anh, đồng chủ biên ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2020 cho biết tại buổi họp báo công bố ấn phẩm.
Theo ông Thế Anh, những rủi ro này nếu xảy ra, không chỉ làm gia tăng khoảng cách giàu – nghèo trong xã hội, mà còn hướng nguồn lực của nền kinh tế rời xa các hoạt động sản xuất vật chất đem lại thịnh vượng cho xã hội trong tương lai.
Phân tích kỹ hơn, báo cáo chỉ ra, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 đạt 2,91% – là con số ấn tượng, tuy nhiên, tác động của chính sách tiền tệ còn nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ.
Tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng tín dụng không thấp hơn quá nhiều (cưa kể phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh trong năm, đưa quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp lên khoảng 13% GDP từ mức 10,85% trong năm 2019), nhưng tăng trưởng kinh tế chỉ bằng chưa đầy 2/5 so với con số tăng trưởng trung bình của hai năm trước đó. Điều này đặt ra nghi vấn về đích đến cuối cùng và hiệu quả của dòng tiền/tín dụng trong nền kinh tế.
Rất có thể, trong điều kiện nhiều loại cầu sụt giảm mạnh hoặc biến mất, một phần tăng trưởng tín dụng chỉ để giúp duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp hơn là để tạo ra hàng hóa và dịch vụ mới. Ngoài ra một lượng tiền lớn đã được hấp thụ bởi trái phiếu chính phủ.
Cuối cùng, tín dụng, bằng các cách khác nhau, có thể không trực tiếp đi vào sản xuất mà trực tiếp hoặc gián tiếp đi vào các kênh tiêu dùng hàng nhập khẩu (như ô tô) và giao dịch tài sản (bất động sản, chứng khoán và vàng).
Bên cạnh các ngành duy trì tốc độ tăng trưởng cao, ít bị tác động, thậm chí là hưởng lợi như y tế, thông tin truyền thông, hoạt động chuyên môn khoa học… thì tài chính, ngân hàng cũng là ngành đạt được tăng trưởng rất tích cực (cao thứ ba) trong năm 2020. Trong khi đó, tăng trưởng của các ngành như công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện nước, dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận tải kho bãi, dịch vụ hỗ trợ, vui chơi giải trí lại giảm mạnh.
“Điều này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy sự mở rộng tiền tệ và tín dụng làm lợi cho khu vực tài chính – ngân hàng nhiều hơn so với khu vực sản xuất và những ngành dịch vụ khác”, nhóm nghiên cứu nhận định.
Mặc dù giá cả tiêu dùng khá ổn định, nhưng bong bóng giá tài sản (bên cạnh nợ xấu) là một rủi ro đáng quan ngại khi chính sách tiền tệ được nới lỏng. Chỉ số chứng khoán VN-Index tăng 15% so với đầu năm (tăng 66% từ đáy), còn HNX-Index tăng tới 98% so với đầu năm (tăng 110% từ đáy). Trong ngày cuối cùng của năm, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt gần 5,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 21% (tương đương 910 nghìn tỷ đồng) so với một năm trước đó.
Tương tự, giá bất động sản cũng tăng bất thường trong năm, đặc biệt là những nơi có dự án hạ tầng lớn được triển khai.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), giá đất nền tại nhiều dự án ở phía Tây Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, những địa phương giáp ranh với TP. HCM, Long Thành (Đồng Nai)… đều tăng khoảng gấp đôi trong năm. Giá cho thuê đất công nghiệp đạt đỉnh cả ở miền Bắc và miền Nam.
“Đây là những dấu hiệu đáng lo ngại ban đầu của hiện tượng bong bóng giá tài sản khi tỷ lệ cung tiền M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam đang lần lượt tiệm cận mốc 200% và 150%, vượt xa so với các nước trong khu vực ASEAN-5”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Do vậy, chính sách tiền tệ nới lỏng cần hết sức thận trọng về quy mô và thời gian kéo dài, đặc biệt là khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại ở cả trong nước và trên thế giới. Bên cạnh đó, tuy tỷ lệ nợ công/GDP có giảm nhưng quy mô nợ công vẫn tăng nhanh về giá trị tuyệt đối, tỷ lệ nợ/thu ngân sách vẫn cao, cộng với thâm hụt ngân sách dai dẳng khiến cho Việt Nam hầu như không có dư địa tài khóa.
Thu ngân sách hầu như chỉ đủ trang trải chi thường xuyên và trả nợ. Đặc biệt, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đang tiệm cận sát ngưỡng 25% thu ngân sách và dự kiến tiếp tục duy trì ở mức cao trong vài năm tới. Do đó, chính sách tài khóa cần phải chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết. Ưu tiên cao nhất là hỗ trợ những người mất việc làm, kể cả khu vực chính thức và phi chính thức.
Tiếp đến là các hỗ trợ về chi phí đói với doanh nghiệp bị ảnh hưởng như: miễn giảm phí công đoàn, lãi vay, tiền thuê đất.. nên được thực hiện nếu có nguồn lực, tuy nhiên, phải đảm bảo công bằng giữa các đối tượng.
“Tất cả các biện pháp hỗ trợ về thuế thu nhập hay chi tiêu hàng xa xỉ nên được xóa bỏ. Đầu tư công chỉ nên tập trun và đẩy nhanh vào các dự án trọng điểmm quốc gia đã có kế hoạch. Các dự án đầu tư không thiết yếu ở các địa phương cần được chấn chỉnh. Tiết kiệm chi thường xuyên cũng là một định hướng quan trọng khi đại dịch Covid-19 vẫn còn là một ẩn số, tương lai của nền kinh tế vẫn còn bất định”, nhóm nghiên cứu khuyến nghị.