“Nước chảy về chỗ trũng”, là xu hướng tất yếu trên thị trường địa ốc khi mà quỹ đất ở nội đô ngày càng khan hiếm, trong khi những vùng đất chưa được khai thác nhiều trở thành “miếng mồi ngon” của cả doanh nghiệp lẫn NĐT cá nhân. Vậy, ngoài nguyên nhân giá mềm, nhiều người thắc mắc vì sao dòng tiền của NĐT lại đổ mạnh về thị trường này, đồng thời đang hình thành nên xu hướng rõ nét trên thị trường BĐS hiện nay. “Chắc chắn, tại các thị trường vùng cao phải có một cú hích lớn thì mới hình thành nên xu hướng để thu hút các NĐT BĐS đổ về, thậm chí gây sốt nóng trong thời gian gần đây”, một chuyên gia trong ngành chia sẻ.
Loạt ông lớn âm thầm gom quỹ đất hàng nghìn héc-ta, NĐT cá nhân vào đón cơ hội
Từ đầu năm 2020 đến nay, Bảo Lộc thu hút hàng chục doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư như Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh, T&T Group, Him Lam, Ecopark, Văn Phú – Invest, Happy House Việt Nhật…
Nếu như Tập đoàn Hưng Thịnh đã nhanh chân và âm thầm sở hữu quỹ đất hàng nghìn ha thì mới đây Công ty CP Đầu tư Văn Phú – Invest đã có buổi làm việc với UBND thành phố Bảo Lộc và đề xuất ý tưởng đầu tư vào các dự án như khu đô thị dịch vụ giải trí hồ Nam Phương 2; nghiên cứu phát triển dự án sân bay Lộc Phát; qui hoạch xây dựng khu phố đi bộ, dịch vụ thương mại, chợ đêm tại khu chợ cũ Bảo Lộc.
Công ty CP Tập đoàn Him Lam cũng đã làm việc với địa phương này để nghiên cứu xúc tiến đầu tư vào một số dự án như khu dân cư phường B’Lao, khu du lịch sinh thái thác Đá Bàn (sông Đại Bình) và các tuyến đường kết nối giao thông trục Bắc – Nam.
Ông lớn khác là Tập đoàn Ecopark cũng đang tìm hiểu đầu tư các dự án trọng điểm như khu tổ hợp dịch vụ, du lịch sinh thái sân golf, cáp treo núi Sapung và khu đô thị, dịch vụ giải trí – nghỉ dưỡng hồ Nam Phương 1 và hồ Nam Phương 2.
Lãnh đạo Tp.Bảo Lộc cho biết hiện địa phương đang có 48 dự án kêu gọi, thu hút đầu tư để xây dựng thành phố sinh thái và dịch vụ, nghỉ dưỡng. Trong đó, nhiều dự án trọng điểm đang được nhiều nhà đầu tư trong nước quan tâm, tìm hiểu như dự án sân bay Lộc Phát với quy mô 50 ha đến 100 ha, hình thành sân bay cấp 3C; dự án tổ hợp khu thương mại – khách sạn 5 sao; sân golf Lộc Phát – Lộc Thắng; khu tổ hợp dịch vụ, du lịch sinh thái sân golf, cáp treo núi Sapung, quy mô hơn 2.500 ha…
Theo các chuyên gia, sự xuất hiện của những doanh nghiệp lớn sẽ góp phần hình thành những dự án quy mô, bài bản. Từ đó, thúc đẩy nhu cầu về BĐS và cơ hội cho nhà đầu tư cá nhân khai thác tiềm năng. Đó là lý do thời gian qua, bên cạnh các doanh nghiệp lớn nhiều NĐT cá nhân đã dồn dòng tiền nhàn rỗi của mình và thị trường này đón đầu cơ hội đầu tư.
“Gu” hưởng thụ cuộc sống với BĐS vùng cao
Trong xu hướng “bỏ phố về vườn” thì Bảo Lộc – Lâm Đồng đang là vùng đất được gọi tên nhiều nhất. Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS cho rằng, từ khi dịch Covid-19 xảy ra khiến hành vi của con người có nhiều thay đổi để thích nghi, từ thói quen di chuyển đến cách đi du lịch và đặc biệt là “gu” BĐS. Chính sự thay đổi này làm cho những vùng đất còn hoang sơ và được thiên nhiên ưu đãi tăng sức hút.
Xu hướng bỏ phố về vườn ở phía Nam xuất hiện trước năm 2019 nhưng chưa phát triển thành phong trào mạnh mẽ, vì BĐS mang tính hưởng thụ nhiều hơn trải nghiệm cho nên người dân chọn đi biển, ở khách sạn 5 sao, vui chơi giải trí. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2019, dịch Covid-19 xảy ra khiến người dân hạn chế hoặc không đi máy bay nên không thể đi chơi xa. Hơn nữa dịch Covid-19 lây lan qua đường hô hấp, trong khi ở các thành phố lớn đông người, ngột ngạt dễ lây bệnh. Nhiều cơ quan, tổ chức doanh nghiệp cho nhân viên nghỉ hoặc làm việc từ xa. Chính vì vậy nhu cầu tìm mua nhà vườn về ở ẩn để trách dịch cùng gia đình ngày càng tăng.
Vì thế, theo ông Quang “nhà vườn” trở thành xu hướng mới đối với thị trường BĐS khi xu hướng về với thiên nhiên trở nên phổ biến. Trong xu thế đó, thành phố Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng nổi lên là địa điểm được lựa chọn.
Do có lợi thế địa hình – thiên nhiên, Tp.Bảo Lộc khá phù hợp để phát triển BĐS sinh thái, nghỉ dưỡng. Dòng sản phẩm second home (ngôi nhà thứ hai) dần thu hút giới đầu tư BĐS thời gian gần đây. Những khu vực có lợi thế về hệ sinh tự nhiên, cảnh quan đẹp được giới đầu tư xem là “vùng trũng” để phát triển phân khúc nghỉ dưỡng này. Từ đó, kéo theo dòng tiền của giới đầu tư địa ốc đổ về.
Theo một NĐT lâu năm, trào lưu mua đất làm nhà vườn bắt đầu rộ lên từ năm 2019. Đây là một phân khúc đầu tư an toàn, giống như của để dành từ nguồn tài chính có sẵn, không lệ thuộc ngân hàng. Hiện nay, đời sống lên cao, nhiều người sở hữu xe hơi riêng nên việc ra các tỉnh lân cận ven Tp.HCM mua đất làm vườn, trang trại… với giá từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng để tránh xa xô bồ của thành thị đang trở thành xu hướng mới khá rõ nét.
Quỹ đất lớn, giá còn mềm
Trước khi có dịch Covid-19, giá đất vườn ở Hay tại xã Xuân Thọ, TP.Đà Lạt, giá 1.000 m2 nông nghiệp trước đây có giá khoảng 700 triệu đồng, hiện đã lên trên 3 tỷ đồng, còn những khu đất gần Quốc lộ, giá đến trên 6 tỷ đồng/1.000 m2. Trong khi đó, đất tại Tp. Bảo Lộc còn dễ chịu hơn rất nhiều. Vì thế, nhiều NĐT có dòng tiền nhàn rỗi thường ngắm vào khu vực này, đợi chờ khả năng sinh lợi trong tương lai.
Trong khi khí hậu ở Đà Lạt có cảm giác hơi lạnh thì Bảo Lộc lại được đánh giá là tương đối mát mẻ. Ngoài ra, quỹ đất ở Bảo Lộc còn lớn, chưa có nhiều người khai phá. Giá đất tương đối rẻ, quỹ đất tương đối rộng để thỏa sức sáng tạo. Nhiều CĐT phân lô bán nền nhưng cũng tạo ra các tiện ích để thu hút người mua vì quỹ đất rộng, giá rẻ, đủ diện tích để làm.
Theo một số chuyên gia, những nơi giá BĐS đã cao thì thường các chủ đầu tư làm từ 2.000m đến 4.000m nhưng ở Bảo Lộc thì thường dự án từ 2ha đến 4ha. Do đó, họ tạo điểm nhấn riêng cho dự án dễ hơn.
Tuy nhiên các chuyên gia lưu ý, NĐT khi vào thị trường Bảo Lộc nên chú ý nếu không sẽ dính vào đất quy hoạch công trình công cộng, đất không cho lên thổ cư… Khi mua đất ở Bảo Lộc cần có sổ và lên được thổ cư. Đồng thời, NĐT rót tiền vào Bảo Lộc nên định hướng dài hạn và trước khi mua nên đi thăm quan, trải nghiệm vài ngày để biết được thì trường khu vực như thế nào, giá cả ra sao.