Năm 2014, người giàu nhất tỉnh Thiên Tân (Trung Quốc) Trương Tường Thanh bất ngờ qua đời vì một cơn đau tim. Ông để lại tập đoàn Rongcheng Xiangtai trị giá cả tỷ USD, với hơn 8.000 nhân viên đang hoang mang.
Khi dư luận còn mải bàn tán về số phận của doanh nghiệp này, một người phụ nữ 45 tuổi đã đứng ra gánh vác tất cả. Bà chính là Trương Vinh Hoa – vợ tỷ phú Trương Tường Thanh.
7 năm trôi qua, Trương Vinh Hoa đã không làm chồng mình thất vọng. Cơ nghiệp mà hai người cùng nhau tạo dựng đã trở thành doanh nghiệp số 1 tỉnh Thiên Tân.
Thế nhưng, ít ai biết rằng trước khi được mệnh danh là “nữ hoàng sắt thép” của Trung Quốc, người phụ nữ này đã lập nghiệp từ nghề bán đậu phụ.
Mục Lục
Thiên kim tiểu thư gả cho anh đồng nát
Năm 19 tuổi, Trương Vinh Hoa được cha mai mối với một người đàn ông không mấy dễ nhìn, còn có sẹo trên lông mày.
Người cha liền giải thích: nhìn người không thể chỉ dừng ở vẻ ngoài. Vết sẹo kia là do bị mảnh xỉ nhỏ văng vào; lúc đó anh ta còn chẳng thèm kêu một tiếng. Nghe vậy, bà liền có hảo cảm với người này.
Người đàn ông đó chính là Trương Tường Thanh.
Trương Tường Thanh mồ côi cha mẹ sau một trận động đất, nhà lại nghèo. Để có tiền, ông và anh trai phải đi nhặt phế liệu và bán kem que để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Lên phổ thông, người đàn ông này không có nổi 1 tệ để nộp học phí. Vì vậy, ông quyết định bỏ học và đi làm thuê.
Trong khi đó, tuổi thơ của Trương Vinh Hoa có phần êm đềm hơn. Cha bà là đội trưởng sản xuất nên gia đình rất khá giả, có thể mua máy khâu, tủ lạnh và xe đạp.
Vợ chồng Trương Vinh Hoa – Trương Tường Thanh khi còn trẻ
Năm 16 tuổi, Trương Tường Thanh trở thành công nhân nhỏ tuổi nhất trong xưởng thép. Nhờ chịu được gian khổ, không ngừng phấn đấu, ông được cha của Trương Vinh Hoa quý mến, muốn nhận làm con rể.
2 năm sau, nhà máy thép đóng cửa. Không muốn chịu cảnh thất nghiệp, Trương Tường Thanh liền đi tìm lối thoát khác. Ông lên Thạch Gia Trang học cách làm đậu phụ, sau đó quay về quê nhà Đường Sơn để bắt đầu kinh doanh.
Chẳng bao lâu sau, Trương Vinh Hoa và Trương Tường Thanh kết hôn với nhau. Trước khi xuất giá, rất nhiều người đã can bà, cho rằng gả cho người nghèo như vậy, cần phải suy nghĩ thật kỹ.
“Tôi không sợ ông ấy nghèo. Tôi sẽ giúp ông ấy có cuộc sống tốt hơn!”, bà cứng rắn nói.
Sau đám cưới, hai vợ chồng đều trắng tay, nhà chỉ có độc bức vách. Trương Vinh Hoa không phàn nàn, chịu thương chịu khó thức khuya dậy sớm cùng chồng mình đi bán đậu phụ.
Ông nghèo khổ, tôi sẽ cùng ông xây dựng sự nghiệp
Mỗi ngày, hai vợ chồng đều dậy từ 3-4h sáng, bán đậu phụ trong một con hẻm nhỏ ở Đường Sơn. Lúc đầu, Trương Tường Thanh còn cho rằng vợ mình là thiên kim tiểu thư, không nỡ lòng để bà làm việc.
Tuy nhiên, Trương Vinh Hoa vốn rất mạnh mẽ, lại không ngại khó khăn. Để tăng thu nhập, bà nhận may vá thuê lúc rảnh rỗi. Công việc bận rộn đến mức cả hai không có thời gian chăm con, phải nén nước mắt để con gái vào máy giặt.
Sau 3 năm khổ cực, họ đã trở thành một trong những gia đình “vạn nguyên kim” (gia đình có trên 10.000 tệ) đầu tiên ở Đường Sơn. Ở thập niên 80, những gia đình như vậy còn ít hơn số triệu phú ngày nay.
Có một lần Trương Tường Thanh hỏi: “Nếu tôi vẫn còn bán đậu phụ, bà còn đi theo tôi không?”. Trương Vinh Hoa cười đáp: “Ông vốn bán đậu phụ, tôi không theo ông thì đi theo ai?”.
Bán đậu phụ quá cực khổ, lại khó thể phát triển. Vì thế, Trương Tường Thanh quyết định chuyển sang nghề sắt vụn. Trương Vinh Hoa không hề nghĩ ngợi, toàn lực ủng hộ chồng mình.
Bà rút 10.000 tệ tiền tiết kiệm của gia đình, lại vay mượn thêm 8.000 tệ để chồng lên Bắc Kinh buôn bán phế liệu, còn mình ở lại quê tiếp tục bán đậu phụ.
Ngành sắt thép vốn không đơn giản, mà Trương Tường Thanh chỉ biết nhập hàng, không biết xem hàng. Phần lớn phế liệu thu về đều không bán được; 18.000 tệ ban đầu mất trắng.
Khi ấy, Trương Vinh Hoa vẫn thầm lặng cổ vũ và an ủi chồng. Trương Tường Thanh học thêm về việc giám định vật liệu, quyết định lập nghiệp lần nữa. Năm 1993, hai vợ chồng kiếm được 3 triệu tệ (tương đương 45 triệu USD ngày nay), gấp 300 lần số tiền kiếm được từ việc bán đậu phụ.
Đang ăn nên làm ra, ngành sắt thép lại gặp khủng hoảng, khiến nhiều phân xưởng đóng cửa, không còn chỗ bán hàng. Mất 10.000 tệ là chuyện bình thường, nhưng mất 3 triệu tệ chính là tán gia bại sản.
Thế nhưng, Trương Vinh Hoa vẫn cần mẫn động viên chồng tiến lên phía trước. Lần này, họ thay đổi chiến thuật: Người khác không mua sắt vụn, thì ta tự tái chế đống sắt thép này.
“Cứ làm đi, cùng lắm là lại quay về bán đậu phụ”, bà quả quyết nói. May mắn thay, cuối cùng họ cũng thành công, thuận lợi xây dựng được nhà máy luyện kim.
Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, có tiền rồi mất sạch, xong lại sở hữu nhà máy. Bao cay đắng ngọt bùi trên đời, Trương Vinh Hoa đều nếm đủ. Bà luôn là hậu phương vững chắc, là đường lui của chồng.
Có lẽ, người phụ nữ này cũng không thể ngờ tương lai sẽ trở thành tỷ phú.
Ông giàu có, tôi giúp ông quản trị
Trương Vinh Hoa tiếp tục đặt cược vào chồng mình và lại thắng.
Sau 2 năm thành lập, nhà máy thép đã lãi hàng trăm nghìn tệ. Cứ nhà máy nào đóng cửa, đôi vợ chồng đều tìm đến mua lại. Đến năm 2000, họ đã có hàng chục nhà máy thép lớn nhỏ, với quy mô hơn 2.000 nhân viên.
Trương Tường Thanh nói: “Tôi biết xông pha đánh trận, bất chấp tất cả. Tuy nhiên quản lý hậu phương phải nhờ bà”.
Sau khi thu mua hàng loạt nhà máy, hai người nhận ra: Nếu không có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực quản trị, sẽ rất khó để vận hành cơ ngơi này.
Để giúp chồng, Trương Vinh Hoa đã đến Bắc Kinh để học một khóa MBA vào năm 2003. Sau khi hoàn thành chương trình học, bà rà soát loại các nhà máy, chuẩn hóa và hoàn thiện việc quản lý.
Năm đó, tập đoàn sắt thép Rongcheng Xiangtai được thành lập, lấy cảm hứng từ tên hai vợ chồng. Ngay năm đầu tiên, doanh thu của tập đoàn đã vượt mốc tỷ USD, bù dần tiền vốn mua các nhà máy ban đầu.
“Tôi vốn không có tính nhẫn nại. Người bảo vệ tập đoàn này là vợ tôi. Người bảo vệ tôi cũng là bà ấy”, Trương Tường Thanh từng nói.
Nếu Trương Tường Thanh là người sáng lập thì Trương Vinh Hoa vừa là đồng sáng lập, lại vừa là CEO, vừa là chủ, vừa là quản lý chuyên nghiệp. Việc to việc nhỏ trong tập đoàn đều do một tay bà quản lý.
Trương Vinh Hoa cũng rất khéo chiều chồng. Biết Trương Tường Thanh thích bóng rổ, bà thường xuyên cùng ông xem thi đấu. Năm 2006, họ bỏ 20 triệu tệ (khoảng 3 triệu USD) để thành lập CLB bóng rổ nam Tianjin Ronggang.
Đẳng cấp cao không phải là cùng chồng mình vượt đại dương để xem bóng, mà chính là tự tay lập đội bóng cho phu quân.
Năm 2008, tại buổi tiệc gây quỹ hỗ trợ các nạn nhân của trận động đất Tứ Xuyên, vợ chồng họ đã quyên góp tới 100 triệu tệ (khoảng 15 triệu USD). Trong khi 500 doanh nghiệp đầu tiên chỉ tặng 10 triệu tệ, việc một ông chủ vô danh quyên góp một số tiền lớn như vậy đã khiến khán giả xúc động.
Từ sinh hoạt đến sự nghiệp, Trương Vinh Hoa đều đồng hành cùng chồng. Năm 2010, họ trở thành tỷ phú giàu nhất Thiên Tân.
Khi kết hôn, Trương Vinh Hoa nói rằng muốn được gả cho kẻ nghèo này để giúp cuộc sống của ông ấy tốt lên. Sau 22 năm, bà đã thực hiện được lời hứa của mình.
Trời cho bà một người nghèo, bà liền biến người đó thành đại phú hào.
Ông ra đi, tôi sẽ hoàn thành di nguyện của ông
Năm 2014, Trương Tường Thanh qua đời sau một cơn đau tim bất ngờ. Trong một ngày, bầu trời của Trương Vinh Hoa sụp đổ.
Kết hôn 26 năm, việc lớn việc nhỏ hai vợ chồng đều làm cùng nhau. Bây giờ, sản nghiệp tỷ USD và hơn 8.000 nhân viên đều do mình bà chịu trách nhiệm.
Chồng mất được 30 ngày, bà viết: “Ông ở cõi trên, tôi sẽ trở thành hi vọng của ông. Mộng tưởng ông gieo xuống, tôi sẽ thay ông thực hiện”. Thế nhưng, đây là một việc không hề dễ dàng.
Năm 2015, thị trường sắt thép xuống dốc, việc kinh doanh gặp rất nhiều áp lực. Bà vừa phải lo tài chính của tập đoàn, vừa phải đảm bảo lương cho nhân viên, lại không thể vay ngân hàng.
Người khác khuyên Trương Vinh Hoa hãy giảm lương công nhân xuống, sau đó trả lại họ sau. Tuy nhiên, bà từ chối nghe theo. Bà không thể vì hoàn cảnh khó khăn nhất thời mà đạp đổ cơ ngơi chồng mình đã vất vả xây dựng một đời.
Hai vợ chồng coi tập đoàn như gia đình, không thể để nhân viên – người thân của mình – cảm thấy không an toàn.
Dù vậy, hiểu được khó khăn của tập đoàn, các công nhân viên tự giác tiết kiệm. Họ tiết kiệm từ giấy in cho đến các nguyên vật liệu, giúp bà chủ đỡ tốn tiền. Trong khi các đồng nghiệp đều phá sản hoặc thua lỗ, Trương Vinh Hoa cùng các nhân viên của mình đã kiếm được 180 triệu tệ (khoảng 27 triệu USD), đưa tập đoàn đi lên.
Lúc sinh thời, Trương Tường Thanh luôn tìm cách đóng góp cho xã hội. Sau khi chồng qua đời, Trương Vinh Hoa vẫn tiếp tục chí hướng của ông. Bà dùng tiền kiếm được xây dựng hệ thống sưởi miễn phí cho người dân, quyên góp cho Vũ Hán chống dịch Covid-19.
Nữ doanh nhân này cũng học theo cuộc sống ẩn dật của chồng, gần như vắng bóng trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cho đến nay, gia đình bà đã quyên góp khoảng 650 triệu tệ (hơn 98 triệu USD), nhưng hiếm ai biết.
Rút lui sau khi đã công thành danh toại
Năm 2019, Trương Vinh Hoa trở thành người phụ nữ giàu nhất Thiên Tân, sở hữu khối tài sản trị giá 10,5 tỷ tệ (hơn 1,5 tỷ USD). Bà không những giữ vững cơ nghiệp của chồng mà còn mở rộng và phát triển nó, nâng mức doanh thu lên 70 tỷ tệ (hơn 10 tỷ USD).
Năm 2020, bà được trao tặng giải thưởng “Nữ doanh nhân xuất sắc nhất Trung Quốc”.
Ở tuổi 50, Trương Vinh Hoa đã tìm người kế vị mình. Bà trao lại công ty cho cô con gái Trương Tích Quân, còn để con trai quản lý đội bóng rổ yêu thích của chồng. Giờ đây, bà cảm thấy nhẹ nhõm khi đã hoàn thành xong tâm nguyện của người bạn đời.
Kể từ khi kết hôn năm 19 tuổi, Trương Vinh Hoa đã không còn là một thiên kim tiểu thư. Sáng sớm làm đậu phụ và nấu ăn, chiều kiểm tra phế liệu và cùng chồng tung hoành khắp nơi, mỗi ngày với bà đều vô cùng vất vả.
Thế nhưng, khi phát biểu hay được phỏng vấn, Trương Vinh Hoa chẳng thích kể lể nhiều về những gian truân mình đã trải qua.
Sở hữu gương mặt phúc hậu, phong cách ăn mặc thanh lịch, lại có tài kinh doanh hơn người, chẳng trách mà “nữ hoàng sắt thép” này lại được ca tụng là “Tây Thi đậu phụ”.
Hoàn cảnh khắc nghiệt đến đâu cũng không thể nào che giấu được khí chất đỉnh cao của một người.
Hàng chục năm trôi qua, Trương Vinh Hoa vẫn giữ lại ngôi nhà sống cùng chồng thở hàn vi. Bà tâm niệm: “Chỉ có không quên cố nhân, ta mới có thể không quên ý định ban đầu”.
“Điều may mắn nhất của tôi là tìm được một người vợ tốt nhất trên đời”, Trương Tường Thanh từng nói.
(Theo Zhihu)