Theo Financial Times, Credit Suisse và Nomura mới đây đã cảnh báo về khoản lỗ lớn sau khi đợt bán tháo 20 tỷ USD cổ phiếu công nghệ Trung Quốc và Mỹ diễn ra hôm thứ Sáu tuần trước. Trường hợp này diễn ra khi khách hàng của 2 nhà băng này là Archegos Capital Management nhận được margin call từ 1 số ngân hàng.
Khoản lỗ “kinh hoàng”
Nomura có thể phải chứng kiến tổng lợi nhuận trong nửa cuối năm tài chính bị “xóa sạch”. Trong khi đó, Credit Suisse cảnh báo việc bán tháo cổ phiếu lần này có tác động “cực kỳ quan trọng” đến kết quả kinh doanh quý I của công ty.
Cổ phiếu của 2 ngân hàng đầu tư lớn nhất Nhật Bản đã giảm 16% ở phiên ngày hôm nay trên sàn Tokyo. Đây là mức trong 1 ngày tồi tệ nhất từ trước đến nay, khiến 2 công ty này mất hơn 3,2 tỷ USD vốn hóa, khi Nomura cảnh báo về giao dịch gần đây của 1 khách hàng giấu tên và công ty con tại Mỹ có nguy cơ “lỗ đáng kể”.
Ngân hàng Nhật Bản và ngân hàng Thụy Sĩ mới đây đã tiết lộ thông tin về công ty mà họ cung cấp dịch vụ môi giới, đó là Archegos – được thành lập bởi cựu giám đốc quỹ phòng hộ Bill Hwang.
Mới đây, Credit Suisse cho biết: “Một quỹ phòng hộ có quy mô khá lớn có trụ sở tại Mỹ đã cháy tài khoản khi nhận được margin call từ Credit Suisse và 1 số ngân hàng khác vào tuần trước. Sau khi Archegos không thể duy trì được mức kí quỹ yêu cầu, Credit Suisse và 1 số ngân hàng khác buộc phải loại bỏ các vị thế của quỹ này.”
Ngân hàng cho biết thêm: “Mặc dù hiện vẫn còn quá sớm để xác định chính xác khoản lỗ do vụ bán tháo này là bao nhiêu, nhưng đây là điều quan trọng đối với kết quả kinh doanh quý I của chúng tôi.”
Theo nguồn tin thân cận tiết lộ với Financial Times, khoản lỗ dự kiến của Credit Suisse có thể từ 3-4 tỷ USD. Trong khi đó, lợi nhuận ròng của ngân hàng này trong năm 2020 là 2,9 tỷ USD. Sáng ngày hôm nay, cổ phiếu của ngân hàng Thụy Sĩ mất 10%.
Một số nguồn thạo tin về mối quan hệ của Credit Suisse với Archegos cho biết bộ phận môi giới hàng đầu của ngân hàng ở New York sẽ chịu khoản lỗ này, không liên quan đến mảng quản lý tài sản.
Trong khi đó, Nomura cho biết ngân hàng đang đánh giá mức độ thiệt hại và lưu ý rằng yêu cầu bồi thường của khách hàng ước tính là khoảng 2 tỷ USD. Ngân hàng nói rằng, con số này dựa theo giá trị thị trường vào cuối phiên giao dịch tại Mỹ hôm thứ Sáu và có thể tăng lên nếu giá tài sản tiếp tục đi xuống.
Ngoài ra, Deutsche Bank cũng chịu ảnh hưởng bởi vụ bán tháo của Archegos. Tuy nhiên, khoản lỗ của ngân hàng này dự kiến chỉ là một phần nhỏ so với các công ty môi giới khác. Nguồn tin thân cận tiết lộ, nhà băng lớn nhất nước Đức đã tự phòng hộ cho khoản lỗ của mình.
Sai lầm của Nomura và Credit Suisse
Giám đốc điều hành của 1 quỹ đầu cơ tại Hồng Kông nhận định: “Thật bất ngờ khi có 1 quỹ đầu tư cổ phiếu Trung Quốc lại nhận được đòn bẩy lớn đến vậy từ Nomura. Tỷ lệ đòn bẩy dường như cao gấp 4 lần 1 quỹ long/short thường nhận được.”
Trong khi đó, các quỹ phòng hộ ở Hồng Kông và Tokyo cho biết các trader đã chuẩn bị tinh thần cho đợt bán tháo với khối lượng lớn hơn nữa của các cổ phiếu có liên quan đến Archegos. Chưa dừng ở đó, các quỹ khác cũng có thể phải giảm bớt vị thế đòn bẩy.
Hideyasu Ban – nhà phân tích tại Jefferies, cho biết khoản lỗ ước tính 2 tỷ USD trong quý III sẽ xóa sạch phần lớn lợi nhuận trước thuế của Nomura trong nửa cuối năm tài chính kết thúc vào cuối tuần này.
Các công ty môi giới lớn khác đã cung cấp đòn bẩy cho Archegos cho biết các vấn đề tại của Nomura và CS là việc chậm trễ thanh lý các khoản vay so với các đối thủ khác, đặc biệt là Goldman Sachs và Morgan Stanley.
Một giám đốc điều hành tại 1 ngân hàng Phố Wall có trụ sở tại Hồng Kông cho biết: “Không rõ tại sao Nomura lại không đưa ra động thái gì và chấp nhận khoản lỗ này.” Trong khi đó 1 chủ ngân hàng khác tại Tokyo cho biết mức đòn bẩy cực kỳ cao mà Nomura nới rộng cho Archegos là “khó hiểu”.
Các chủ ngân hàng ở Tokyo nhận định về đợt bán tháo này như “khoảnh khắc Lehman” có thể xảy ra. Điều này sẽ buộc nhiều nhà cho vay nhận ra rằng việc gia tăng đòn bẩy đã tạo rủi ro quá lớn.
Công ty đứng sau thương vụ gây sốc
Công ty đầu tư tư nhân Archegos là yếu tố đứng đằng sau thương vụ bán cổ phiếu trị giá hàng tỷ USD, khiến Phố Wall bất ngờ hôm thứ Sáu tuần trước. Quỹ này đã mua vào một lượng lớn cổ phiếu ViacomCBS, Discovery và một số cổ phiếu công nghệ Trung Quốc khác.
Archegos đã chịu ảnh hưởng nặng nề khi cổ phiếu của các tập đoàn truyền thông Mỹ và công nghệ Trung Quốc lao dốc mạnh vào hôm thứ Ba và thứ Tư tuần trước. Đây này là nguyên nhân khiến Archegos nhận được margin call từ Goldman Sachs, sau đó là từ một loạt ngân hàng khác.
Các ngân hàng gồm Goldman, Morgan Stanley, Deutsche, Credit Suisse và UBS đã đóng vai trò môi giới cho Archegos. Họ cho Archegos vay tiền và cả cổ phiếu, sau đó xử lý các giao dịch. Cuối tuần trước, Goldman và Morgan Stanley dự định để Archegos có thể tăng lượng tài sản ký quỹ.
Hôm 26/3, Goldman Sachs bán 6,6 tỷ USD cổ phiếu Baidu, Tencent Music Entertainment Group và Vipshop Holdings trước khi TTCK Mỹ mở cửa. Goldman Sachs bán 3,9 tỷ USD cổ phiếu ViacomCBS, Discovery, Farfetch, iQiyi và GSX Techedu. Morgan Stanley cũng bán ra hàng loạt cổ phiếu. Động thái này khiến vốn hóa của các công ty công nghệ Trung Quốc cho đến tập đoàn truyền thông Mỹ mất 35 tỷ USD.
Archegos là văn phòng gia đình quản lý tài sản của Bill Hwang – cựu quản lý quỹ “hổ con” của tỷ phú huyền thoại Julian Robertson. Tính đến tuần trước, quỹ này quản lý khoảng 10 tỷ USD, theo các nhà môi giới lớn. Trước đây, Hwang đã điều hành quỹ Tiger Asia, nhưng ông trả lại tiền mặt cho nhà đầu tư vào năm 2012 sau khi thừa nhận có hành vi gian lận liên quan đến cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc.
Teng Yue Partners – được điều hành bởi cựu thành cựu thành viên của Tiger Management Tao Li, cũng có liên quan đến đợt giao dịch này đối với cổ phiếu các công ty truyền thông Mỹ và công nghệ Trung Quốc.
Trước đó, một số ngân hàng đã đưa Hwang vào danh sách đen, cấm mọi giao dịch trên toàn cầu của ông sau khi đạt được thỏa thuận với các nhà quản lý của Mỹ về khoản phí giao dịch bất hợp pháp năm 2012. Ngoài ra, Hwang còn bị cấm giao dịch ở Hồng Kông vào năm 2014.
Tham khảo Financial Times; Bloomberg