Nếu tôi hỏi bạn, bây giờ bạn đang thiếu điều gì nhất? Khoảng 80% mọi người nhất định sẽ trả lời một từ, đó là “Tiền”!
Đúng vậy, nền kinh tế là thứ quyết định kiến trúc thượng tầng, và chúng ta rất khó làm gì nếu không có tiền. Nhưng bạn đã biết cách để kiếm tiền liên tục chưa?
Trong xã hội này, kiếm được nhiều tiền dường như đã trở thành mục tiêu của tất cả mọi người. Nhưng thực tế thường cho chúng ta một cái tát vang dội, sáng tối chúng ta làm việc chăm chỉ, nhưng cuối cùng lại chẳng dư đồng nào.
Từ xa xưa, chúng ta đã quen thuộc với những câu nói truyền cảm hứng như “chỉ cần bạn chăm chỉ, bạn nhất định sẽ nhận được phần thưởng”. Nhưng thường thì mọi thứ đi ngược lại với mong muốn của bạn, có đôi lúc, nỗ lực chưa chắc sẽ nhận được hồi đáp.
Vậy làm thế nào để cố gắng chúng ta bỏ ra không uổng phí?
1. Làm những việc bản thân yêu thích
Nhiều người biết rằng làm những gì bản thân yêu thích và hứng thú thì sẽ dễ dàng thành công hơn, nhưng kết quả là vẫn phản tác dụng. Một lý do rất quan trọng là vì mọi người hoàn toàn không làm những gì họ thích. Nói cách khác, họ chỉ đang làm những việc mà họ nghĩ rằng họ yêu thích, nhưng thực tế thì không phải. Tại sao câu này nghe có vẻ mâu thuẫn đến thế?
Bởi vì bản thân họ chưa phát hiện đúng thứ mình thích, họ không thực sự nhận ra họ thích cái gì.
Muốn phán đoán một sự việc, xem thử có phải ưa thích hay không, bạn có thể dùng 2 cách:
Tiêu chuẩn tham khảo đầu tiên: Khi bạn thực sự chuyên tâm làm một việc, bạn sẽ không cần phiền não về những lý do như “Hôm nay ăn gì?”
Có một lần, nhà khoa học vĩ đại Edison mời bạn của mình về nhà ăn cơm. Khi người bạn ấy đến nhà, ông lại đột nhiên có hứng làm thí nghiệm, vì thế lên lầu tập trung làm rất lâu. Người bạn kia vì đợi quá lâu mà không thấy Edison xuống nên đã ăn hết thức ăn mà không nói lời nào.
Không lâu sau đó, Edison xuống lầu chuẩn bị bữa tối, thấy một đống xương gà trên bàn, liền gãi đầu tự nhủ: “Hóa ra tôi đã ăn rồi.” Sau đó tiếp tục quay về làm thí nghiệm.
Tiêu chuẩn tham khảo thứ hai: Biết rõ làm việc này không có phần thưởng nào, nhưng vẫn rất vui lòng làm điều đó.
Lấy bản thân tôi làm ví dụ, nửa năm nay, tôi quyết định mở một tài khoản để công khai viết bài. Ban đầu, tôi không có ý định kiếm tiền từ nó, vì thế không hề thực hiện thêm bất kì hoạt động quảng bá nào, cũng không hề yêu cầu độc giả phải nộp phí xem bài. Lúc đó tôi chỉ có một ý tưởng: Chuyên tâm viết, truyền suy nghĩ của mình đến độc giả.
Thời gian đầu, tôi dành tất cả thời gian rảnh rỗi mỗi ngày cho việc học và viết, quá trình gian khổ ấy tôi sẽ không kể, nhưng nhờ nó tôi thấy cuộc sống của mình rất phong phú.
Đôi khi bạn chuyên tâm làm một việc, quên đi vụ lợi, tiền tài, nhất định sẽ nhận được càng nhiều hơn.
Trong 6 tháng tập trung viết lách, tỷ lệ các bài báo được khen ngợi ngày càng cao, tôi nhận được nhiều hợp đồng và lời mời từ các tổ chức khác, họ trả tiền đều đặn vào mỗi tháng. Một số công ty trả tiền mua bản thảo sách và mời tôi đến làm biên tập…
Ý định ban đầu càng đơn giản, tỷ suất lợi nhuận đôi khi lại càng cao.
Nếu ngay từ đầu tôi sử dụng nó như một công cụ kiếm tiền, có lẽ đã không thu được nhiều thành công như bây giờ.
Bản chất của việc kiếm tiền chính là bạn có thể cung cấp bao nhiêu giá trị cho người khác.
Vì vậy, chỉ khi giá trị của bạn đủ lớn, bạn mới có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Hãy tập trung làm việc mà không đòi hỏi bất cứ điều gì đáp lại, may mắn sẽ tự nhiên đến.
Nhiều người chỉ chăm chăm nghĩ đến việc kiếm được nhiều tiền mỗi ngày, nhưng họ lại không muốn sống chậm lại và ổn định, cải thiện năng lực của mình. Vậy họ biết lấy gì làm cơ sở để kiếm tiền?
2. Dục tốc bất đạt
Muốn kiếm nhiều tiền, trước hết hãy nâng cao năng lực bản thân, đừng hành động quá vội vàng, như thế sẽ mất nhiều hơn được.
Tôi có một người bạn tham vọng rất lớn trong công việc, anh ta bắt đầu kiếm tiền trước khi tôi tốt nghiệp. Công việc đầu tiên là làm việc trong một nhà máy thủy tinh, bởi vì thấy tiền lương ít, nên anh ta đã xin nghỉ việc và nhảy sang tự kinh doanh.
Nhưng khởi nghiệp là một việc rất vất vả, phải chịu khó và nỗ lực hết mình.
Anh ấy không chịu được, thường xuyên thay đổi dự án, nhằm kiếm tìm việc dễ hơn. Cứ thế, tốc độ xoay việc của anh ấy nhanh như chong chóng, việc thì nhiều, nhưng không có việc nào thành.
Tính tình bốc đồng, nóng vội, quen nhìn người khác rồi vội lao vào đầu tư mà không có kế hoạch lâu dài, chính là những điểm yếu khiến bạn nhanh chóng “sớm nở tối tàn”.
Nếu có cái nhìn thiển cận, dù chăm chỉ vẫn rất khó để thành công.
3. Chuyên tâm
Nhiều người nghĩ rằng freelancer là những người “ở nhà vẫn ấm no”. Thực tế thì sao? Họ luôn phải dành nhiều thời gian hơn những người làm hành chính, họ phải không ngừng nâng cao và học hỏi thêm kỹ năng, cũng như tập trung 100% sức mạnh tinh thần vào công việc.
Bởi vì họ làm tự do, chỉ một lỗi không tốt cũng rất có thể trở thành lý do khiến khách hàng khiếu nại.
Muốn kiếm được nhiều tiền, trước hết hãy có một tinh thần chuyên nghiệp. Muốn chuyên nghiệp thì trước hết cần có một tinh thần tập trung cao độ.
Bạn phải thực sự thành công trong một lĩnh vực trước, mới có đủ vốn để “lấn sân” sang lĩnh vực khác.
4. Không kể công lao, không quan tâm đến số tiền nhận được
Dù đã học tập rất nhiều năm, nhưng nguồn kiến thức bạn còn nhớ được trong đầu chỉ có thể lấy làm cơ sở. Nếu bạn không liên tục bổ sung kiến thức mới mỗi ngày, bạn chắc chắn sẽ không thể sáng tạo liên tục và phát triển bản thân.
Khi đầu tư vào bản thân, đừng quan tâm đến lợi ích nhận được, mà hãy sẵn sàng chi tiền để đổi lấy kiến thức hữu ích cho bản thân mình.
Đôi khi, không có kiến thức nhưng miễn cưỡng đầu tư hàng chục đô la chỉ có thể dẫn đến nguy cơ mất hàng triệu USD trong tương lai.
Kiến thức luôn tỉ lệ thuận với lợi ích, chỉ cần bạn đủ giỏi, bạn nhất định nhận được “tiền lương” xứng với trình độ. Hãy cố gắng làm việc chăm chỉ trước, khi bạn xuất sắc rồi, mọi thứ bạn muốn sẽ tự nhiên đến.
Đừng bao giờ keo kiệt trong việc đầu tư vào chính mình, bởi vì lượng kiến thức thu về nhất định sẽ chuyển hóa thành năng lượng tiềm ẩn hỗ trợ bạn trên mọi nẻo đường.