Trao đổi với Trí thức trẻ, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhận xét: Chắc chắn những tập đoàn lớn như Vingroup, trước khi quyết định đầu tư, đã có nghiên cứu. Mà nghiên cứu này, không phải chỉ là một dự án đầu tư sang Mỹ, mà là nghiên cứu của cả tập đoàn trên một chiến lược chung.
Gần đây, thông tin VinFast có dự định mở nhà máy sản xuất ô tô điện tại Mỹ rất được quan tâm. Hiện nay, số lượng công ty sản xuất ô tô điện chưa nhiều, trong khi xe chạy xăng thì vẫn rất phổ biến. Ông có nhận xét gì về lựa chọn táo bạo như vậy khi đầu tư ra nước ngoài?
Chắc chắn những tập đoàn lớn như Vingroup, trước khi quyết định đầu tư, đã có nghiên cứu. Mà nghiên cứu này, không phải chỉ là một dự án đầu tư sang Mỹ, mà là nghiên cứu của cả tập đoàn trên một chiến lược chung.
Trong những năm gần đây, Vingroup thay đổi chiến lược rất ghê gớm. Vingroup đang cơ cấu lại tập đoàn, để tập trung vào cái mà ông Phạm Nhật Vượng đang hướng tới, là công nghệ cao, công nghệ nguồn, dịch vụ hiện đại để trở thành một tập đoàn đa ngành về công nghệ cao của thế giới. Đây là một trong các hướng mà rất nhiều tập đoàn Việt Nam sẽ đi theo, mà hướng đó là hướng rất đáng khích lệ. Vingroup bắt đầu một dự án không ai ngờ được là VinFast. Chỉ sau mười mấy tháng, từ chỗ sình lầy cỡ 3-400 ha như vậy trở thành một khu nhà máy hiện đại.
VinFast không đi theo cách của Thaco, tức là xây dựng cơ sở hạ tầng xong rồi bắt đầu kêu gọi liên doanh như Kia Motor hay một số tập đoàn Nhật Bản sản xuất những sản phẩm đang hấp dẫn trên thị trường. Vingroup đi thẳng vào hiện đại, tức là xây dựng nhà máy chủ yếu dùng robot, có cả các phân xưởng không dùng nhân công và hợp tác với các nhà sản xuất hàng đầu về ô tô trên thế giới và tìm kiếm những người giỏi nhất trên thế giới để lãnh đạo.
Vingroup làm smartphone cũng theo hướng như vậy. Không giống ông Nguyễn Tử Quảng làm Bphone, Vingroup hợp tác luôn với một tập đoàn lớn về smartphone của Tây Ban Nha và nhập luôn công nghệ của họ.
Hướng đi của Vingroup có thể thấy rất rõ. Đây là chiến lược rất thích hợp với xu thế chuyển đổi kinh tế số của Việt Nam khi chúng ta hy vọng thập niên 2021-2030 sẽ là thời kỳ Việt Nam chuyển đổi sang kinh tế số.
Việc lựa chọn một thị trường siêu cạnh tranh như Mỹ có phải là rất liều lĩnh?
Mỹ vẫn là điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới. Năm 2020, nếu đầu tư nước ngoài vào Mỹ đạt 134 tỷ USD, thì Việt Nam chúng ta chỉ có khoảng 22 tỷ USD.
Vì sao như vậy? Vì Mỹ là một thị trường tự do, là nơi có môi trường rất cạnh tranh, nơi những dự án đầu tư có hiệu quả luôn luôn được trân trọng.
Gần đây, đã có những dự báo rất lạc quan về kinh tế Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng ở mức 6,5%, và lạm phát chỉ dưới 3%. Đó là con số rất kinh khủng.
Mặt khác, từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền, đã có hàng chục triệu người đã không nhận trợ cấp thất nghiệp, đã có việc làm. Như vậy rõ ràng Mỹ khuyến khích đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Các bang của Mỹ cũng không chỉ khuyến khích đầu tư nước ngoài mà còn tranh thủ khuyến khích các tập đoàn lớn như Amazon lập các nhà máy, các trung tâm thương mại tại các bang với ưu đãi nhiều hơn các bang khác. Vì vậy không lý gì mà người Việt Nam không tranh thủ các cơ hội từ Mỹ.
Cũng phải nói rằng, chúng ta đang ở giai đoạn mà chưa bao giờ quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ lại tốt như hiện nay. Đối với vấn đề Việt Nam, cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đều thống nhất quan điểm tăng cường quan hệ đối tác toàn diện, từ kinh tế, văn hóa rồi thương mại, đầu tư và cả an ninh, quốc phòng.
Cái mà chúng ta hy vọng, là sau khi ông Joe Biden cầm quyền thì Mỹ có khả năng sẽ trở lại TPP. Như vậy rõ ràng môi trường đầu tư kinh doanh giữa Việt Nam và Mỹ sẽ thông thoáng hơn và có lợi hơn, việc đầu tư sang một nơi có điều kiện tốt như vậy, lại là những khoản đầu tư lớn, cũng làm cho vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tốt hơn rất nhiều.
Đầu tư tới Mỹ, xa hơn nữa là chiến lược hướng tới toàn cầu. Gần đây, khi Thủ tướng gặp gỡ các doanh nhân hàng đầu của Việt Nam, đã có rất nhiều ý kiến về việc làm sao để đến năm 2045, Việt Nam chúng ta có những tập đoàn kinh tế lớn nằm trong Top 1.000 của Thế giới. Hiện nay đã có lác đác một vài “anh” như Viettel, Vietcombank… và rõ ràng xu hướng đó là một xu hướng rất đúng. Với xu hướng ấy thì Vingroup có thể làm ở rất nhiều nơi trên toàn cầu chứ không phải chỉ mỗi ở Mỹ, tôi chắc chắn rồi sẽ có cả ở châu Âu và ở các nước khác nữa.
Mới đây có thông tin Foxconn, một nhà cung cấp lớn nhất của Apple có đề cập với Vingroup về việc hợp tác sản xuất xe điện. Phía Vingroup có phản hồi rằng “Foxconn muốn mua lại dây chuyền nhưng chúng tôi chỉ đồng ý hợp tác sản xuất pin và bộ phận của xe điện”. Điều này để lại cho ông suy nghĩ gì về việc hợp tác giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại?
Chiến lược của một tập đoàn thì mình không thể nào phê phán hay ủng hộ được. Mỗi một tập đoàn kinh tế lớn đều có một chiến lược. Chẳng ai biết được hôm nay, hay ngày mai, ông Phạm Nhật Vượng lại có những ý tưởng gì nữa.
Nhưng chúng ta phải thấy rằng, những người với tầm vóc như Phạm Nhật Vượng đã làm được rất nhiều việc cho đất nước này. Đặc biệt hiện nay, ông đầu tư vào nghiên cứu phát triển, mở một trường đại học riêng, đẳng cấp cao, thu phí không thấp hơn Mỹ, nhưng rất nhiều người học. Ông cũng hợp tác với mấy chục trường đại học khác, cấp học bổng để đào tạo ra những đội quân tinh nhuệ cho đất nước nói chung và cho ông sau này. Thì rõ ràng, khi hợp tác với doanh nghiệp Hàn Quốc hay Đài Loan, Vingroup cũng không muốn hợp tác theo kiểu các nhà cung cấp của Việt Nam với tư cách là nhà thầu phụ, mà hợp tác với tư cách bình đẳng.
Mà biết đâu với tư chất của người Việt Nam, trong một vài năm nữa, các tập đoàn như Vingroup có thể cạnh tranh ngang ngửa với những cái tên lớn? Tôi cho rằng, những chiến lược như vậy Chính phủ nên khuyến khích, ủng hộ. Còn chúng ta, không nên vội đưa ra những bình luận khi mình không hiểu biết được chiến lược của họ.
Từ những tấm gương đi trước, có thể đúc kết lại, doanh nghiệp khi đầu tư ra nước ngoài cần lưu ý điều gì?
Thật ra, đầu tư dăm ba triệu đô la để làm một xưởng sản xuất may mặc là một đầu tư rất nhỏ. Tôi thì không bao giờ khuyến khích những đầu tư như thế. Chúng ta cần để cho những lao động trong nước có việc làm. Có thể trồng cao su hay cà phê ở Lào hay Campuchia thì được. Nhưng những xí nghiệp theo kiểu thâm dụng lao động như vậy, thì rất cần phải lựa chọn.
Ông Donald Trump đã đúng, khi cho rằng nước mình là trên hết và công việc làm là công việc quan trọng nhất của người Mỹ, nên bắt buộc xí nghiệp của công ty Mỹ phải rời nhà máy từ Trung Quốc về Mỹ và có những chính sách khuyến khích. Tức là bao giờ lợi ích của dân tộc cũng đặt lên hàng đầu.
Trong lợi ích dân tộc thì điều quan trọng nhất với con người là việc làm, thu nhập tạo nên cuộc sống cho gia đình họ, con cái họ, góp phần làm giàu cho đất nước. Đó mới là quan trọng.
Do vậy, định hướng đầu tư ra nước ngoài, phải định hướng rất rõ, và còn vài điểm chúng ta cần lưu ý.
Dù sao, quy mô kinh tế của Việt Nam vẫn là quy mô nhỏ, nên hàng năm vẫn cần phải giải quyết việc làm cho khoảng 1,2 – 1,4 triệu người. Giờ không phải hoàn toàn là lao động giá rẻ nữa, mà là lao động qua đào tạo, có nghĩa là chi phí cho lao động Việt Nam cũng không còn thấp nữa. Câu chuyện đầu tư ra nước ngoài cần có chiến lược.
Tôi cũng đã phát biểu rất nhiều lần, đầu tư ra nước ngoài không thể mạnh ai nấy đầu tư được. Chúng ta cần phải lựa chọn kỹ càng dự án và quốc gia đầu tư. Và việc này cần phải được các doanh nghiệp quan tâm và nhà nước hướng dẫn.
Tôi cho rằng các doanh nghiệp đi sau cũng nên quan tâm đến những chiến lược của các công ty đi đầu. Đó là gợi ý cho các nhà đầu tư khác có tiềm năng, phải đi tìm hiểu thật kỹ thị trường, tìm hiểu thị hiếu và chen chân vào những nơi nào có tầm cỡ, có khả năng sinh lãi được.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!