Trao đổi với các phóng viên, ông Biden cho biết mình không trực tiếp mời ông Putin và Tập Cận Bình nhưng các nhà lãnh đạo đó “biết họ được mời” dự hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, một sự kiện mà Mỹ tổ chức nhằm thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu cắt giảm lượng khí thải gây biến đổi khí hậu từ nhiên liệu hóa thạch.
Ngay sau đó, Nhà Trắng đã công bố danh sách 40 nhà lãnh đạo thế giới được mời tới Hội nghị Thượng đỉnh này. Ông Biden cho biết đã nói chuyện với Thủ tướng Anh Boris Johnson và các nước thành viên EU vào 2 ngày thứ 5 và thứ 6. Nhà Trắng cũng không ngần ngại nói rằng họ ưu tiên nói chuyện với các đồng minh thân cận trước khi tiếp cận với Nga và Trung Quốc.
Chính quyền Biden dự kiến sẽ công bố mục tiêu phát thải carbon mới tại Hội nghị thượng đỉnh, dự kiến được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào 2 ngày 22 và 22/4. Trong quá trình tranh cử, ông Biden đã cam kết tổ chức các cuộc hội đàm về biến đổi khí hậu. Một sắc lệnh hành pháp cũng đã được Chính quyền Biden thông qua hồi tháng Giêng, không lâu sau khi vị cựu Phó Tổng thống dưới Chính quyền Barack Obama tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.
Mỹ là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc. Nga là nước phát thải lớn thứ 4. Hiện chưa rõ Nga và Trung Quốc có chấp nhận lời mời của phía Mỹ hay không.
Về phần mình, Nhà Trắng cho biết họ muốn hợp tác với Nga và Trung Quốc về biến đổi khí hậu bất chấp căng thẳng giữa các nước trên nhiều lĩnh vực. Chính quyền Biden đã nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh và Moscow là những mối đe dọa an ninh hàng đầu của Mỹ.
Chính quyền của ông Barack Obama đã tuyên bố cắt giảm 28% lượng khí thải của Mỹ xuống dưới mức của năm 2005 vào năm 2025. Tuy nhiên, người kế nhiệm là Tổng thống Donald Trump đã đình chỉ các hoạt động này. Sau khi đắc cử, ông Biden dự kiến sẽ đưa ra một mục tiêu quốc gia nhằm đạt được những tiến bộ trong lĩnh vực giảm phát thải.
Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức trong bối cảnh ông Biden cam kết chuyển đổi nền kinh tế Mỹ sang năng lượng sạch và giảm khí thải từ than, khí đốt tự nhiên và dầu mỏ. Ông Biden đã ngay lập tức đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris vào tháng Giêng sau khi Chính quyền tiền nhiệm rút khỏi nó vào năm 2017.
Ông Biden cũng tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các mục tiêu giảm phát thải theo Hiệp định Paris và dẫn đầu nỗ lực giúp các quốc gia khác đạt được mục tiêu giảm phát thải của họ. Ông Biden cũng tuyên bố sẽ đưa Mỹ vào con đường sản xuất điện không carbon vào năm 2035 và không phát thải ròng vào năm 2050.
Mỹ từng nhiều lần tuyên bố sẽ hợp tác với Moscow và Bắc Kinh trong nhiều vấn đề toàn cầu, chẳng hạn như biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những vấn đề khác từ thương mại tới địa chính trị hay những mâu thuẫn khác vẫn sẽ là điểm nóng trong mối quan hệ siêu cường. Ông Biden không có ý định đảo ngược các chính sách của ông Trump trong nhiều lĩnh vực.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị