Mới đây, sách trắng do Trung tâm Đăng ký Di chúc Trung Quốc công bố cho thấy ngày càng nhiều người trẻ viết di chúc trong vài năm qua. Điều này cho thấy ý thức bảo vệ tài sản của những người trẻ đang ngày càng gia tăng – một chuyên gia về giới trẻ Trung Quốc cho biết.
Phân tích hơn 190.000 bản di chúc ở trung tâm này cho thấy số lượng di chúc do các thế hệ trẻ lập ra ngày càng nhiều hơn. Sách trắng cho biết từ những người lập di chúc có cả thế hệ sinh ra trong giai đoạn những năm 1980, năm 1990 (hay còn gọi là thế hệ 8x, 9x) và cả từ năm 2000 đổ ra.
Ý thức bảo vệ tài sản
Viết di chúc được nhiều người Trung Quốc quan niệm là một hành động xui xẻo, và việc viết di chúc sớm thường không phổ biến ở các thế hệ già.
Trung tâm Đăng ký Di chúc Trung Quốc, một dự án phúc lợi công cộng được triển khai vào năm 2013, cung cấp dịch vụ tư vấn, đăng ký và giám hộ miễn phí cho chủ yếu là người già từ 60 tuổi trở lên. Tuy nhiên, ngày càng nhiều khách hàng trẻ tuổi không coi việc viết di chúc sớm là điều xui xẻo.
“Việc ngày càng nhiều người trẻ lập di chúc cho thấy giới trẻ Trung Quốc ngày nay rất có ý thức bảo vệ tài sản và lập di chúc không chỉ dành cho người cao tuổi mà còn là điều bắt buộc đối với bất kỳ ai có tài sản”, Huang Haibo, giám đốc Trung Quốc Trung tâm Đăng ký Di chúc chi nhánh Thượng Hải nói với Hoàn Cầu.
Điều bắt buộc đối với mọi người Trung Quốc
Theo sách trắng, tính đến năm 2020, có 503 khách hàng thuộc các thế hệ sinh sau năm 1980, gần gấp bảy lần con số 73 vào năm 2017, với 97,23% di chúc của họ liên quan đến bất động sản. Hơn một nửa trong số những người sinh sau năm 1980 đã cùng vợ/chồng mua tài sản trong khi những người khác được cha mẹ mua cho.
Wei Qiu (tên nhân vật đã được thay đổi) thuộc thế hệ sinh sau năm 1980, đã viết di chúc sau khi một số người bạn của cô đột ngột qua đời ở tuổi 40. Cô nhận ra rằng việc để lại di chúc không chỉ là điều mà những người cao tuổi nên nghĩ đến mà còn thực sự là một khái niệm mà mọi người Trung Quốc nên chấp nhận – Wei nói với tờ Hoàn Cầu.
Giấy giới thiệu dịch vụ viết di chúc
Trong di chúc của mình, Wei muốn để lại căn hộ cho đứa con duy nhất, vì căn hộ được mua bởi cha mẹ cô thay vì với chồng cô. Cô lập di chúc mà không ghi tên chồng mình.
Huang nói: “Sự bất ổn ngày càng tăng của hôn nhân trong xã hội ngày nay đã khiến nhiều người trẻ phải cân nhắc trước về việc tài sản của họ sẽ được thừa kế và phân chia như thế nào nếu họ đột ngột qua đời”.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người sau 80 tuổi có khả năng đầu tư giỏi. Trong đó, 13,16% di chúc của họ liên quan đến vốn chủ sở hữu công ty và 15,89% liên quan đến chứng khoán và quỹ, cao hơn nhiều so với bất kỳ độ tuổi nào khác.
Những lý do chính để thế hệ sinh sau năm 1980 viết di chúc là “để tránh tài sản bị lãng quên” và “để chăm sóc các thành viên trong gia đình.” Là trụ cột của xã hội, người sinh trong những năm 1980 gánh vác áp lực rất lớn từ gia đình và xã hội, vì vậy họ có nghĩa vụ phải suy nghĩ về di chúc càng sớm càng tốt.
Biện pháp tránh tranh chấp
Trong khi đó, số lượng khách hàng sinh sau năm 1990 đã lên tới 553 người vào năm 2020, thậm chí một số thanh niên sinh sau năm 2000 cũng viết di chúc. Thống kê cho thấy, khách hàng trẻ nhất của trung tâm là 17 tuổi.
Li Ya (tên nhân vật đã được thay đổi) sinh cuối những năm 1990 và đã viết di chúc về căn hộ mà cô sở hữu. Li giải thích rằng cô ấy muốn để lại tài sản của mình cho mẹ và ngăn cản người chồng tương lai của mình nhận được bất kỳ tài sản thừa kế nào.
Li nói với Hoàn Cầu: “Tôi thường đọc những tin tức liên quan về những tranh chấp gia đình về quyền thừa kế và phân chia tài sản. Tôi có thể dễ dàng chấp nhận những quan niệm mới, vì vậy tôi đã nghĩ đến việc lập di chúc.”
“So với các biện pháp xử lý thủ tục pháp lý phức tạp và tốn kém thường mất nhiều năm để hoàn thành, Di chúc và Di nguyện là một biện pháp có thể giải quyết tranh chấp giữa những người thân,” Huang nói.
Các dạng tài sản và di chúc mới
Bên cạnh đó, thế hệ trẻ có nhiều tài sản phong phú hơn trong di chúc. Theo nội dung tài sản của các thế hệ sinh sau thập niên 90, ngoài tiền gửi ngân hàng và bất động sản, một đặc điểm nổi bật trong di chúc của họ là có cả những tài sản ảo như Alipay, WeChat, Tencent QQ và tài khoản trò chơi trong di chúc.
Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, trung tâm đã tung ra ứng dụng có tên “WeChat Di chúc”, trong đó khách hàng có thể để lại di chúc của họ. Năm ngoái, trung tâm đã nhận được tổng cộng 70.000 bản di chúc WeChat, bao gồm 38,7% được thực hiện bởi những người từ 20 đến 30 tuổi; 27,4% ở những người dưới 20 tuổi, có nghĩa là những người trẻ tuổi sẵn sàng chấp nhận di chúc hơn là phản đối hoặc cảm thấy ác cảm với chúng. Khách hàng có thể yêu cầu trung tâm gửi bản di chúc WeChat cho người được chỉ định vào thời gian đã định.
Theo ông Chen Kai, Giám đốc Ban quản lý trung tâm, phần thừa kế trong Bộ luật Dân sự Trung Quốc quy định những yêu cầu khắt khe về hình thức di chúc. Quy định của pháp luật về các hình thức di chúc bao gồm di chúc tự viết, di chúc do người đại diện viết, di chúc ghi âm, ghi hình, di chúc có công chứng, di chúc miệng và di chúc in ấn.
Vì di chúc WeChat không tuân thủ các quy định này, nên nó chỉ được áp dụng để giải quyết các vấn đề không liên quan đến tài sản như thể hiện tình cảm hoặc tư vấn về các vấn đề cá nhân. Mục đích của việc ra mắt chức năng mới này là để mọi người truyền tải cảm xúc của họ thông qua các hình thức mới.