Sẽ không ai để tâm đến những lưu ý khi nhảy việc khi bản thân đang hài lòng với công việc, mức lương hiện tại. Quyết định nhảy việc thường là hệ quả của những vấn đề như: lương thưởng không như kỳ vọng; mâu thuẫn với đồng nghiệp hoặc với sếp; công việc quá áp lực, căng thẳng… Đều là những lí do không mấy vui vẻ và điều duy nhất họ mong muốn chỉ là “cao chạy xa bay” khỏi môi trường hiện tại, tự vẽ ra một công việc trong mơ sắp tới.
Thế nên, nhiều người nói nhảy việc là nhảy việc ngay mà không cần tốn công suy nghĩ và lưu ý những lý về hệ quả sau này. Trong đó, những người ở độ tuổi 22-26 tuổi là nhóm người có tần suất nhảy việc cao nhất.
Tuy nhiên, nhảy việc luôn là một quyết định mạo hiểm, bạn có thể có được công việc như mong muốn và bạn cũng hoàn toàn có thể – một lần nữa – rơi vào tình trạng “đi vào vết xe đổ” nếu chưa thực sự suy nghĩ kỹ càng. Dù mọi chuyện có tệ đến đâu, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, hãy cùng nhìn lại và cân nhắc 3 điều sau.
1. Kiến thức của bạn đã thực sự vững vàng chưa?
Công việc không chỉ mang đến cho bạn thu nhập hàng tháng mà nó còn là một “khóa đào tạo” để bạn trau dồi kiến thức, bao gồm cả kiến thức chuyên môn cũng như kiến thức xã hội. Trau dồi ở đây không chỉ đơn thuần là học về mặt lý thuyết mà còn là ứng dụng vào thực tế. Bạn được cọ xát để biến những lý thuyết trở thành công cụ để xử lý mọi tình huống, từ đó đạt được hiệu quả công việc tốt nhất. Hãy lưu ý một chút: Bạn của 6 tháng, 1 năm, 2 năm so với bạn của ngày đầu mới vào công ty đã tự tin hơn, mạnh dạn hơn, chuyên nghiệp hơn, đúng không?
Nếu công việc hiện tại không cho bạn thêm cơ hội để phát triển, hoàn thiện kiến thức, kỹ năng của bản thân, thậm chí nó còn khiến bạn có cảm giác mình đang đi thụt lùi, bạn có thể nghỉ việc. Nhưng nếu bạn cảm thấy mình vẫn còn học hỏi được nhiều ở công việc hiện tại thì đừng vội nhảy việc. Nhảy việc khi kiến thức chưa đủ vững vàng, bạn không chỉ mất đi cơ hội để phát triển bản thân mà còn vô tình đẩy mình vào “thế khó” sau này. “Ông chủ” nào sẽ đồng ý trả mức lương cao cho một nhân viên “non” kinh nghiệm, kiến thức và có “lịch sử” nhảy việc liên tục?
2. Định hướng sự nghiệp của bạn là gì?
Người trẻ dường như không ngại nhảy việc, họ chỉ cần một lí do. Lương không như kỳ vọng, nhảy việc. Đồng nghiệp không hòa đồng, nhảy việc. Công việc stress, nhảy việc. Nhảy việc trở thành giải pháp duy nhất cho mọi vấn đề mà họ gặp phải và lâu dần trở thành chứng “nghiện nhảy việc”. Khi gặp khó khăn trong môi trường làm việc hiện tại, thay vì tìm cách giải quyết, họ nhảy việc. Đến lúc chạm ngưỡng gần 30 tuổi, trong khi bạn bè đều đã có một vị trí nhất định trong công việc thì bản thân vẫn còn lông bông, chưa đạt thành tựu gì nổi bật. Lúc này, dù bạn có ân hận đến mấy cũng đã muộn.
Do đó, hãy lưu ý điều sau trước khi nhảy việc, vì bạn vẫn còn thời gian cho mọi thứ, đừng tiếc một ít thời gian để cân nhắc định hướng sự nghiệp của bản thân. Mục tiêu 1 năm, 3 năm hay 5 năm tới của bạn là gì? Bạn muốn trở thành một người như thế nào? Công việc hiện tại có phải là nấc thang phù hợp để bạn từng bước tiếc tới mục tiêu hay không? Nếu câu trả lời là có, đừng vội nghĩ đến chuyện nhảy việc mà hãy tìm cách xử lý những rắc rối hiện tại một cách khôn khéo, an toàn.
3. Mạng lưới quan hệ của bạn đã đủ rộng chưa?
Kể cả bạn làm việc ở vị trí nào, bạn đều có cơ hội để mở rộng mối quan hệ của mình. Đó có thể là đối tác, khách hàng, đồng nghiệp… Chính những người này sẽ là “cầu nối” để bạn tiếp cận một công việc mới tốt hơn, phù hợp hơn. Đó cũng là lí do vì sao mọi người luôn muốn mở rộng những mối quan hệ của mình. Có thêm nhiều mối quan hệ đồng nghĩa bạn sẽ có thêm nhiều lợi ích về lâu dài và đôi khi, một cơ hội tuyệt vời sẽ đến vào lúc bất ngờ nhất.
Một lưu ý khi nhảy việc rằng nếu bạn là một người trẻ mới đi làm, hoặc mạng lưới quan hệ chưa đủ rộng, nhảy việc liên tục khiến bạn không đủ thời gian để vun vén, duy trì một mối quan hệ nào. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến con đường sự nghiệp sau này.
Ai cũng sẽ có những ngày làm việc mệt mỏi. Không có thước đo nào để đánh giá quyết định nhảy việc của bạn là đúng hay sai. Điều quan trọng nhất vẫn là sự cân nhắc, sự lưu ý và sự thận trọng của chính bạn để dù tiếp tục ở lại hay ra đi, bạn vẫn cảm thấy hài lòng.
(Tham khảo: HR Insider)