Cuối giờ chiều 23/3 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent giảm 2,2 USD (3,4%) xuống 62,42 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,1 USD (3,4%) xuống 59,46 USD/thùng.
Phiên liền trước, 22/3, giá dầu gần như đứng im so với phiên cuối tuần (19/3), sau khi đã giảm gần 7% trong tuần vừa qua, kết thúc chuỗi mấy tháng liên tiếp tăng mạnh nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng của liên minh OPEC+ và những dự báo về phục hồi nhu cầu tiêu thụ dầu trên toàn cầu.
“Tuần trước là tuần mất giá mạnh nhất của dầu trong năm nay, vì nhà đầu tư lo lắng về sự gia tăng trở lại của số ca nhiễm Covid-19 mới ở châu Âu”, một báo cáo của ngân hàng ING được hãng tin Reuters trích dẫn. “Điều này xảy đến đúng vào lúc có những dấu hiệu rõ ràng về sự suy yếu trên thị trường dầu vật chất”.
Cấu trúc thị trường đang có dấu hiệu suy yếu khi mức chênh lệch giá dầu Brent kỳ hạn giao gần với giao xa gia tăng, thể hiện một đợt biến động giá đầu tiên kể từ tháng 1/2021.
“Thị trường dầu thô hiện đang ở trạng thái nhu cầu đối với các hợp đồng physical (hàng thực) thấp hơn nhiều so với các hợp đồng kỳ hạn xa”, giám đốc nghiên cứu của ngân hàng Quốc gia Australia, Lachlan Shaw, cho biết, và thêm rằng hiện tượng này vừa mới xuất hiện trong tuần này.
Đồng đô la Mỹ mạnh lên cũng ảnh hưởng đến giá dầu, bởi dầu được định giá bằng USD. Hiện đồng USD đang ở quanh mức cao nhất trong vòng 4 tháng do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh gần đây thúc đẩy nhu cầu đối với đồng bạc xanh. Tỷ lệ những nhà đầu tư dự đoán đồng USD giảm ngày càng thu hẹp lại.
“Châu Âu đang thắt chặt các biện pháp chống Covid-19, và việc hạn chế di chuyển có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu dầu”, ngân hàng Commerzbank cho biết.
Châu Âu đang bước vào làn sóng Covid-19 thứ 3 với những biến thể mới của virus xuất hiện. Đức, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất ở Châu Âu, đã thông báo kéo dài thời gian giãn cách xã hội qua 18/4, có thể đến tháng 5, và yêu cầu người dân cố gắng ở yên trong nhà để ngăn chặn đợt dịch thứ 3 này. Trong khi đó, Pháp cũng đang trong đợt giãn cách xã hội kéo dài do số ca nhiễm Covid-19 ở phía Bắc nước này tăng vọt. Gần 1/3 dân số Pháp phải thực thi lệnh phong tỏa mới kéo dài 1 tháng bắt đầu từ hôm thứ Bảy vừa rồi. Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 22/3 cảnh báo rằng làn sóng Covid-19 thứ ba đang hoành hành ở châu Âu có thể quét sang Anh.
“Chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 ở châu Âu đã không diễn ra nhanh chóng như thị trường ky vọng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự hồi phục nhu cầu tiêu thụ dầu, theo đó tác động bất lợi đến giá dầu”, nhà phân tích Louise Dickson thuộc Rystad Energy cho biết.
Trong khhi đó, thị trường dầu physical đang rơi vào ế ẩm mang tính chất mùa vụ khi các nhà máy lọc dầu, bao gồm ở Trung Quốc và Mỹ, bắt đầu các hoạt động bảo dưỡng định kỳ. Mùa bảo dưỡng ở Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào tháng 5 và bắt đầu giảm trong tháng 6, giới giao dịch cho hay. Trong thời gian đó, nhu cầu dầu của các nhà máy này sẽ giảm nhiều.
Mặc dù vậy, Tổng giám đốc (CEO) Amin Nasser của hãng dầu lửa quốc doanh Saudi Aramco vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng dài hạn của hãng này và cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu đến cuối năm 2021 sẽ đạt mức 99 triệu thùng/ngày.
“Tôi cho rằng nhu cầu sẽ tiếp tục khởi sắc khi có thêm những nền kinh tế nới lỏng hạn chế đi lại trong những tháng sắp tới. Nhưng ngược lại, nguồn cung dầu cũng sẽ tăng ở một mức độ nào đó”, nhà phân tích Fawad Razaqzada thuộc ThinkMarkets nói hôm 21/3. Theo ông: “OPEC+ sẽ từ từ nới sản lượng, trong khi sản lượng dầu đá phiến của Mỹ có thể được đẩy mạnh do giá dầu đã trở nên hấp dẫn. Nhìn chung, tôi không cho là giá dầu sẽ tăng mạnh thêm”.
Ông Razaqzada dự báo giá dầu Brent sẽ khó giữ trên mức 70 USD/thùng và giá dầu WTI đạt bình quân khoảng 60 USD/thùng trong năm nay.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh đã thực thi cắt giảm sản lượng chưa từng có tiền lệ để cân bằng thị trường dầu trong bối cảnh đại dịch gây sụt giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Nhờ nỗ lực này của OPEC+, giá dầu WTI đã tăng hơn 26% từ đầu năm đến nay.
Tham khảo: Reuters