Nếu search thông tin về Lê Thanh Hoài SuperShip , người đọc có thể tìm ra một trang web riêng của Hoài, với một loạt bài báo viết về CEO sinh năm 1992 của đơn vị giao hàng nhanh đang tăng trưởng bằng cấp số lần.
Chia sẻ với người viết, Hoài bắt đầu startup của mình với vài người bạn, và số vốn vỏn vẹn 40 triệu đồng. Nhưng tuổi trẻ chẳng có gì để mất, vì lì nên SuperShip cũng đến ngày hái quả ngọt.
Khởi nghiệp với 40 triệu đồng, làm thế nào Hoài có thể gây dựng công ty từ số vốn ít ỏi đó?
Em học Kinh tế Tp.HCM. Thời điểm mới ra trường năm 2013-2014, lúc này kinh doanh online nở rộ, em hay lên mạng thấy khách hàng than phiền không có đơn vị giao hàng nào đáp ứng tất cả yêu cầu của họ. Năm 2014 chỉ có Viettel Post và Bưu điện, em suy nghĩ nếu làm startup về giao hàng không tốn tiền lắm. Thời điểm đó mình có quan điểm nếu làm thành công thì okie, nếu thất bại thì làm lại. Không có gì để mất.
6 anh em sáng lập, gom góp mỗi người 5- 10 triệu. Tổng được 40 triệu. Tiền rất ít, quan hệ không, kinh nghiệm không, người thì mới ra trường, người thì còn đi học… Gì cũng không, chỉ có được cái máu liều và lòng quyết tâm.
3 tháng sau, tiền hết sạch. 3 anh em rời bỏ cuộc chơi, 3 người ở lại quyết chiến khô máu.
Quy mô ban đầu của SuperShip chỉ thuê 1 văn phòng như một phòng trọ ở mặt hẻm. Chi phí đầu tư ban đầu gần như không có gì, lúc bắt đầu mọi thứ đều làm thủ công, ở thời điểm đó em phụ trách điều hành chung, một bạn phát triển công nghệ, một bạn lo bán hàng. Bắt đầu làm 3 tháng nguồn vốn cạn kiệt do định hướng bị sai, tuy nhiên tìm được khách hàng 100 đơn hàng/ngày, nguồn thu để xoay trả lương. Những ngày đầu không dám thuê nhân viên giao hàng mà thuê sinh viên trả đơn hàng nào thì nhận phí đơn đó. Khi có đơn hàng lớn có doanh thu thì mới thuê nhân sự cố định.
Một điều khá may mắn, 2015 đầu 2016 SuperShip có nhà đầu tư thiên thần rót vốn, 200 triệu đồng nhưng cũng đủ để trả lương nhân công. Còn về công nghệ, một bạn co-founder dự code, bọn em không sắm sửa gì nhiều.
Hoài đã lên kêu gọi vốn trên Shark Tank và nhận được vốn đầu tư của Shark Vương, kết quả sau cuộc gọi vốn đó như thế nào?
Doanh thu năm 2016 chưa tới 2,5 tỷ, lợi nhuận đâu vài chục triệu, chưa bằng một tháng lương. Nhưng với tốc độ tăng trưởng các tháng đầu năm và cơ hội thị trường, em đã định giá công ty lên 20 tỷ, gấp 10 lần doanh thu bởi em tin chắc chắn vào sự phát triển và tương lai của SuperShip. Cả 4 shark đều muốn đầu tư. Cuối cùng, SuperShip chốt deal với Shark Vương với đề nghị 2 tỷ lấy 20% cổ phần.
Sau khi lên Shark Tank, SuperShip tăng trưởng theo cấp số lần. Năm 2017-2018, doanh số của SuperShip khoảng 6-7 tỷ đồng, hiện nay doanh số khoảng 58 tỷ, gấp gần 10 lần.
Về mạng lưới, hồi đầu SuperShip chỉ có 2 bưu cục ở HN và HCM, giờ có 250 bưu cục trên toàn quốc. Lúc lên Shark Tank, SuperShip chi giao hàng nội thành, giờ SuperShip đã trở thành 1 trong 10 đơn vị giao hàng toàn quốc, cạnh tranh với các ông lớn nhà nước như Bưu điện hay Viettel Post, một số đơn vị khác được rót vốn lớn như GHN, Giao hàng tiết kiệm (được đầu tư hàng nghìn tỷ), hay các công ty có vốn nước ngoài như J&T, Ninjavan, DHL…
Ngoài Shark Vương ra, SuperShip có nhận đầu tư của các nhà đầu tư khác không?
Năm 2020, SuperShip có kế hoạch gọi vốn triệu USD nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các kế hoạch liên quan đến việc mở rộng gọi vốn bị delay để tập trung tối ưu vận hành. Từ lúc gọi vốn trên Shark Tank tới giờ kế hoạch gọi vốn đang bị trì hoãn.
SuperShip triển khai mạng lưới bưu cục với chi phí rất rẻ nhờ mô hình kinh doanh nhượng quyền logistic, làm sao tin tưởng được các đơn vị nhận bưu cục của mình?
Sau khi lên Shark Tank, SuperShip được anh Vương tư vấn chiến lược định hướng phát triển trong thời gian tới. Nhận thấy nhu cầu của tất cả các shop online là giao hàng toàn quốc, nên mình có định hướng mới là phải mở rộng mạng lưới ra nhiều tỉnh thành. Nếu thế phải đầu tư rất nhiều tiền, một bưu cục nếu đầu tư cần 500-1 tỷ, nếu vài trăm bưu cục thì số tiền đầu tư khá lớn. Con đường này là con đường tốn kém.
Lúc này Anh Vương tham vấn SuperShip đã ổn định một vài bưu cục thì đóng gói mô hình lại, từ công nghệ, hệ thống đến quy trình vận hành, quản lý một các bài bản, để hợp tác với một số đối tác muốn triển khai ở các địa phương. Mình trao mô hình kinh doanh với sự hỗ trợ của mình để cùng hợp tác với họ. Về mặt tài chính có thể độc lập với nhau, nhưng việc vận hành, quản trị, nhận diện chung trên một hệ thống.
Sau khi triển khai rồi, em có đọc một số quyển sách về các ông lớn hàng đầu của ngành chuyển phát nhanh tại Trung Quốc như YTO Express, STO Express, ZJC Express…họ đã áp dụng nhượng quyền cách đây 20 năm. Trung Quốc là đất nước rộng lớn nên các đơn vị chuyển phát không thể đầu tư tài chính để mở rộng mạng lưới như vậy, sau một thời gian phát triển một số đơn vị sẽ mua lại các cơ sở nhượng quyền đó để kiểm soát đồng bộ. Một số công ty khác họ kết hợp vừa nhượng quyền, vừa đầu tư. Còn lại thì vẫn vận dụng hình thức nhượng quyền 100% …Như vậy mình hiểu rằng trên thế giới họ đã làm trước mình rồi, mình áp dụng thôi, sau đó mình triển khai cho nhanh.
Kinh doanh mặt hàng giao hàng yếu tố uy tín là hàng đầu, thứ nhất là uy tín, thứ 2 là nhanh, với hình thức nhượng quyền làm thế nào SuperShip có thể kiểm soát chất lượng để không xảy ra sai sót trong việc giao nhận?
Sự khác biệt giữa mô hình nhượng quyền trong việc chuyển phát nhanh và trong lĩnh vực ăn uống hoặc các mô hình khác là mô hình nhượng quyền trong lĩnh vực đó, các chi nhánh hoạt động độc lập với nhau còn trong lĩnh vực chuyển phát họ hoạt động liên kết với nhau, có sự kiểm soát chéo giữa các đơn vị. Các bưu cục có sự tương tác chéo về mặt khách hàng với nhau nên có sự kiểm soát chéo để chăm sóc khách hàng của họ.
Thứ hai, SuperShip có nền tảng công nghệ để tương tác trên cùng một nền tảng chứ không tách rời các bưu cục với nhau, nên các vấn đề liên quan đến vấn đề cần xử lý, đơn hàng nào bị quá tiến độ sẽ có noti cảnh báo, đơn hàng nào khách hàng comment phàn nàn hay cần ưu tiên xử lý thì hệ thống có công cụ để xử lý.
Thứ ba, trong quan điểm hợp tác có nguyên tắc chung, nếu đối tác nào vi phạm về mặt đơn hàng không đảm bảo tiến độ về mặt giao hàng sẽ phải chịu chế tài rất nặng, ví dụ một đơn hàng thu 20k thì chịu phạt 100k/đơn hàng nếu giao hàng chậm trễ.
Về mặt tài chính họ hoạt động động lập, về mặt vận hành thì các đơn vị hoạt động chung trên một nền tảng công nghệ để đảm bảo sự đồng bộ ở chất lượng dịch vụ chứ không có đơn vị nào tự xử đơn vị ấy.
Covid có phải cú hích giúp SuperShip tăng trưởng mạnh không?
Không đâu chị, năm 2020 SuperShip như đứa trẻ vị thành niên trong giai đoạn phát triển mạnh cần nhiều điều kiện để tăng trưởng nhưng Covid mang lại nhiều sự bất ổn. Covid ảnh hưởng tốt đến đơn vị giao hàng thức ăn nhanh, còn những đơn vị giao hàng cho các shop kinh doanh online bị ảnh hưởng. Kinh tế bị biến động nhiều, nhu cầu tiêu dùng, sắm sửa giảm nhiều, tháng Tết bình thường doanh thu của SuperShip tăng gấp đôi nhưng năm nay bình bình.
Mục tiêu 2021 của SuperShip là gì?
Năm 2021 mục tiêu của SuperShip là tăng trưởng cấp số lần, từ lúc thành lập đến giờ năm thứ 5-6 liên tiếp SuperShip tăng trưởng bằng lần, năm nay đặt mục tiêu gấp 2 lần năm trước, năm trước doanh số khoảng 60 tỷ thì năm nay 120 tỷ.
Do việc mở rộng cần nguồn vốn để đầu tư vào công tác liên quan đến trung chuyển, phương tiện, kho bãi nên năm nay SuperShip sẽ khởi động lại chiến dịch gọi vốn từ cổ đông chiến lược hoặc có thể triển khai phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư cá nhân. Hiện nay SuperShip có nhiều đối tác trên toàn quốc đồng hành, họ muốn SuperShip cổ phần hoá và lấy nguồn vốn để tái đầu tư. Nếu phương án gọi vốn từ nhà đầu tư chiến lược không tiếp tục được thì SuperShip sẽ tiến hành cổ phần hoá.
Sự khác biệt của SuperShip với các công ty giao hàng khác là gì?
Đó là sự linh hoạt cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Bán hàng online, tỷ lệ giao hàng thành công quyết định đến thành công của shop, có shop 100 đơn thì giao 90 đơn, chỗ khác 100 đơn thì giao thành công 95 đơn. Cái 5 đơn chênh lệch đó tạo nên thành công của SuperShip . Ví dụ, khách hàng có thể lưu kho 15 ngày, giao hàng 10 lần thì chỉ tính tiền 1 lần. Khách hàng muốn nhận 1 sản phẩm trong 1 đơn hàng nhiều sản phẩm, bên em hỗ trợ shop giúp giao 1 sản phẩm và thu hồi những sản phẩm về. Điều này giúp SuperShip đạt tỷ lệ giao hàng cao, có sự tin tưởng nhất định của khách hàng.
Trên thị trường có nhiều đơn vị giao hàng, SuperShip sẽ cạnh tranh bằng giá hay chất lượng dịch vụ?
SuperShip cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, bằng tỷ lệ giao hàng thành công. Một đơn hàng bên kia thu 20.000 đồng/đơn thì bên em thu 21.000 đồng/đơn nhưng bên em ship 10 lần vẫn tiếp tục đi ship.
Hoài có chia sẻ công nghệ của SuperShip là tự xây, vậy so với các đơn vị giao hàng khác thì như thế nào?
Công nghệ của SuperShip khá cạnh tranh, bên em có app dành cho quản lý, app cho nhân viên, cho khách hàng tra cứu lịch sử cuộc gọi, lịch trình đơn hàng, các vấn đề liên quan đến tiền, đơn hàng đi tới đâu, trên app trên web có hết.
Sau 6 năm ra thương trường Hoài học được gì trong quãng thời gian điều hành doanh nghiệp, em làm thế nào để theo kịp sự phát triển của DN? Một công ty doanh thu 120 tỷ/năm thì không phải đơn giản?
Bản thân em tự học rất nhiều, song song với việc điều hành thì em đi học ban đêm, tham gia chương trình cao học kinh tế, sau 2 năm khởi nghiệp em vừa có SuperShip vừa hoàn thành thạc sỹ kinh tế để bổ sung kiến thức cho điều hành và tham gia một số chương trình đào tạo quản trị.
Trước vấn đề khó thì em chịu khó đi hỏi, hỏi Shark Vương về định hướng kinh doanh, hỏi shark Phi và các chuyên gia, được cái may mắn trong các năm vừa qua phong trào khởi nghiệp sôi động nên mentor rất nhiều họ sẵn sang trào đổi miễn phí trên tinh thần hỗ trợ mình là chính nên có nhiều quyết định sâu sắc hơn.
Còn góc độ cơ bản vì mình trẻ thì mình phải nỗ lực nhiều. Các bạn đồng hành cùng SuperShip trẻ nhưng khá xuất sắc. Tuổi trẻ có lợi thế vì dám làm điều mới, cách thức mới, không cần kinh nghiệm và không bị ảnh hưởng bởi tư duy cũ. Em mời các bạn tốt nghiệp xuất sắc của các trường để cùng làm, các bạn có nhiều idea mới nên xoay khá nhanh trong dịch. Bên em không sợ sai, mình sai thì mình sửa.
Trong quá trình làm, khách có phàn nàn về chuyện mất đồ, móp méo…thì SuperShip sẽ xử lý như thế nào?
Mỗi ngày SuperShip xử lý tầm khoảng 20.000 đơn hàng/ngày, tỷ lệ thất lạc khoảng 0,01%, một số trường hợp thất lạc đền bù đẩy xuống thấp nhất. Một số chính sách đang áp dụng trong trường hợp thất lạc móp méo thì sẽ đền 100% giá trị. Chỉ cần căn cứ trên khai báo COD hoặc giá trị hàng hóa tương đương là sẽ đền 100%.
Triết lý kinh doanh của em là gì?
Tạo giá trị cho khách hàng và theo đuổi sự hài lòng của khách hàng.
Xin cảm ơn Hoài và chúc SuperShip thành công.