Tập đoàn của Jeff Bezos đang “gõ cửa từng nhà” hòng đánh bại tỷ phú giàu nhất châu Á như thế nào?

photo1616409918103 1616409918339921490307

Nếu như 2020 không phải là năm có quá nhiều sự kiện bất thường, cuộc sống mưu sinh chật vật của người mẹ đơn thân Jayshri Hodkar chẳng có gì đặc biệt. Cô vẫn nuôi sống 2 đứa con bằng nguồn thu nhập ít ỏi từ tiệm may nhỏ. Trong tiệm có duy nhất 1 chiếc máy khâu, đặt ngay trong căn nhà cô đang đi thuê.

Đó là một trong số hàng chục triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ mà bạn có thể bắt gặp ở bất cứ đâu tại Ấn Độ. Họ nhỏ bé đến nỗi khó có thể hình dung nếu gộp lại thì chính họ là những người đang vận hành “động cơ” của nền kinh tế quy mô 2.700 tỷ USD. Giá trị của họ chỉ hiện lên rõ nét khi cả cỗ máy đột ngột dừng lại.

Ngày này năm ngoái, Thủ tướng Narenda Modi bất ngờ ra lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước. Và đó cũng chính là thời điểm mà trung tâm may mặc ở Indore, thành phố lịch sử với 3 triệu dân nằm ở miền Trung Ấn Độ, trở nên quan trọng với một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới. Vì lệnh phong tỏa mà không có khách hàng nào tới để sửa lại quần áo, Hodkar đi đến quyết định: cô không thể tự mình chiến đấu với đại dịch, để trả tiền thuê nhà và nộp học phí cho các con thì cô cần phải hợp tác với tập đoàn Amazon của tỷ phú Jeff Bezos.

Nhà bán lẻ lớn nhất thế giới đang dần len lỏi vào các ngóc ngách của thị trường hơn 1 tỷ dân. Phương pháp của Amazon là “nhập gia tùy tục”, điều chỉnh mô hình kinh doanh cho phù hợp với đặc tính của địa phương mà trong đó có cả những gián đoạn vì Covid-19.

Sáng kiến mà Hodkar tham gia cùng với Amazon cho phép các cộng tác viên lấy các gói hàng có địa chỉ người dân ở gần khu vực họ sinh sống, bảo quản chúng và đi tới từng nhà để giao hàng khi họ biết chắc rằng sẽ có ai đó ở nhà để nhận hàng. Đặt gói hàng ở cửa hoặc trong hòm thư là chuyện phổ biến ở Mỹ nhưng sẽ không khả quan ở thị trường Ấn Độ. Thay vì lãng phí tiền cho những lần giao hàng thất bại, cách làm nói trên giúp Amazon  biến người dân địa phương thành “đồng minh”. Hodkar cho biết cô kiếm được mức thu nhập lớn gấp 3 so với trước đại dịch mà chỉ cần làm việc vài giờ mỗi ngày, đi giao hàng bằng chiếc xe máy Honda Activa của cô.

Quyết đấu giới siêu giàu: Tập đoàn của Jeff Bezos đang gõ cửa từng nhà hòng đánh bại tỷ phú giàu nhất châu Á như thế nào? - Ảnh 1.

Hodkar đang chuẩn bị đi ship hàng. Ảnh: Bloomberg.

Amazon đang dần đứng trước “giờ G” ở thị trường Ấn Độ. Tòa án tối cao ở New Delhi sẽ sớm đưa ra quyết định liệu thương vụ Future Group bán mình cho tập đoàn Reliance Industries của tỷ phú Mukesh Ambani với giá 3,4 tỷ USD có được thông qua hay không. Hiện người đàn ông giàu nhất Ấn Độ vốn đã sở hữu khoảng 12.000 cửa hàng và nếu giành được mạng lưới của Future Group thì vị thế thống trị của ông khó có thể lung lay.

Quý trước, lượng khách của Reliance Retail chỉ bằng 75% so với trước dịch. Tuy nhiên bằng cách cộng tác với 1 triệu thương nhân nhỏ và thuyết phục được một bộ phận biến cửa hàng của chính họ thành các trung tâm xử lý hàng, Ambani cũng đang kết hợp giữa kinh doanh online với offline để nắm bắt cơ hội. Ông còn có 1 lợi thế lớn so với Bezos: 410 triệu khách hàng đang sử dụng dịch vụ viễn thông của Reliance.

Trong 1 khảo sát mới đây, hãng tư vấn Technopak dự báo rằng đến năm 2030 quy mô thị trường bán lẻ Ấn Độ có thể tăng thêm 700 tỷ USD, và động lực chính tạo ra đà tăng trưởng đó là sự kết hợp giữa thương mại điện tử và các hình thức mua bán truyền thống. Tỷ trọng của Ấn Độ trong tổng lượng đặt hàng online toàn cầu sẽ tăng từ 0,2% lên 8,9%. Ngoài Bezos và Ambani, Walmart với Flipkart và tập đoàn Tata (vừa thâu tóm 1 công ty kinh doanh tạp hóa trực tuyến được hậu thuẫn bởi Alibaba) sẽ là những người chơi chính tranh nhau miếng bánh béo bở.

Sức hấp dẫn của thị trường Ấn Độ nằm ở tiềm năng tăng trưởng, trong khi rủi ro nằm ở việc kiểm soát thái quá. Luật quản lý vốn đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực bán lẻ trực tuyến sẽ ngày càng khắt khe hơn. Có tin tức rằng chính phủ đang soạn thảo một số chỉ thị mới nhằm giảm việc người bán hàng trên Amazon và Flipkart mua hàng hóa từ những công ty bán buôn của Mỹ. Bên cạnh đó là luật quản lý hoạt động thương mại điện tử yêu cầu các nền tảng phải “đảm bảo đối xử công bằng với mọi người bán” và không áp dụng “các thuật toán dẫn đến ưu tiên những người bán hàng được lựa chọn”.

Tầm quan trọng của 1 thị trường cởi mở và cạnh tranh công bằng là không thể bàn cãi. Tuy nhiên sẽ là không công bằng nếu buộc các công ty thương mại điện tử phải đối xử công bằng với mọi người bán bất chấp quy mô, chất lượng của họ là khác nhau.

Ngoài ra, đánh giá 1 tập đoàn nước ngoài thông qua lăng kính địa phương sẽ là không phù hợp để rút ra kết luận họ có hành vi độc quyền hay không. Cơ quan chống độc quyền Ấn Độ muốn điều tra cả Amazon và Flipkart. Tuy nhiên, thương mại điện tử đơn thuần chỉ là 1 nhánh nhỏ trong thị trường bán lẻ quy mô 1.000 tỷ USD. Trong “bán lẻ 4.0” kết hợp giữa online và offline, các công ty địa phương không phải là cá nhỏ dễ dàng bị cá lớn nuốt chửng vì họ có lợi thế chính sách. Lý tưởng nhất sẽ là khuyến khích các nhà bán lẻ truyền thống quy mô nhỏ “số hóa” hoạt động và cho họ cơ hội để thích nghi.

Cuộc đối đầu giữa Bezos và Ambani sẽ không kết thúc chỉ với quyết định của tòa án về thương vụ Future Group, nơi nhà sáng lập đã kiếm được tiền từ Amazon nhưng lại quyết định bán “đứa con tinh thần” của mình cho Reliance. Mặt trận tiếp theo sẽ là thanh toán trực tuyến. Visa đang hợp tác với Amazon trong khi Reliance lập thành 1 đội với Facebook và Alphabet thì hợp tác với Jio. Tata cũng đã hợp tác với Mastercard.

Để giành được “vương miện”, các tập đoàn sẽ phải tiến vào sâu hơn – không chỉ là vào ví của người tiêu dùng mà còn phải len lỏi vào cuộc sống cũng như kế sinh nhai của những người bán hàng tạp hóa hay những thợ may ở những góc xa xôi nhất của Ấn Độ. Đó mới là nơi họ có thể tìm ra lợi thế quý báu nhất sẽ giúp họ chiến thắng.

Tham khảo Bloomberg

Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *