Các ngân hàng trong danh sách điều chỉnh nâng triển vọng theo các hạng bậc là ACB, HDBank, Vietcombank, BIDV, LienVietPostBank, MB, OCB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB, VietinBank, VPBank, Techcombank. Riêng ABBank bị Moody’s hạ xếp hạng nhiều chỉ tiêu.
Moody’s đã nâng bậc xếp hạng tín nhiệm 15 ngân hàng Việt với những đánh giá phản ánh sức khỏe lành mạnh, năng lực chống chịu COVID-19 của hệ thống
Cụ thể, xếp hạng tín nhiệm của Moody’s thông báo điều chỉnh triển vọng tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của 15 ngân hàng nói trên và giữ nguyên xếp hạng ở Ba3. Trong đó, 5 ngân hàng được nâng triển vọng từ tiêu cực lên tích cực, 4 ngân hàng từ ổn định lên tích cực và 6 ngân hàng từ tiêu cực lên ổn định.
5 ngân hàng được nâng triển vọng từ “Tiêu cực” lên “Tích cực”: Vietcombank, Agribank, VietinBank, Techcombank, BIDV.
4 ngân hàng được điều chỉnh từ “Ổn định” lên “Tích cực”: OCB, TPBank, VPBnk, VIB.
6 ngân hàng được điều chỉnh từ “Tiêu cực” lên “Ổn định”: ABBank, ACB, HDBank, LienVietPostBank, MB, SeABank.
Riêng ABBank, Moody’s hạ đánh giá xếp hạng tín dụng cơ bản (BCA), BCA điều chỉnh từ b1 xuống b2, triển vọng đánh giá rủi ro đối tác (CRA) và xếp hạng rủi ro đối tác (CRR) dài hạn từ Ba3(cr) và Ba3 xuống B1(cr) và B1. Moody’s hạ BCA của ABBank từ b1 xuống b2, với lo ngại nguồn lực của ngân hàng có thể sẽ bị hạn chế bởi chi phí tín dụng cao do các tài sản có vấn đề tăng. Trước đó, Moody’s kỳ vọng ngân hàng sẽ cải thiện được điều này.
Xếp hạng tín nhiệm của Moody’s dành cho 15 ngân hàng Việt Nam và triển vọng lạc quan chiếm đại đa số trong danh sách điều chỉnh không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn, khi trong đánh giá xếp hạng tiền gửi và tổ chức phát hành của Moody’s đối với các ngân hàng Việt Nam, sức mạnh tín dụng quốc gia là yếu tố đầu vào quan trọng; đồng thời xếp hạng hệ thống ngân hàng luôn gắn với sức mạnh nội tại và xếp hạng tín nhiệm của quốc gia. Moody’s trong kỳ đánh giá này đã giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm, và điều chỉnh tăng triển vọng lên Tích cực, tăng tới 2 bậc so với lần xếp hạng trước, cho thấy những đánh giá phù hợp với diễn biến thực tế của kinh tế Việt Nam khi đã đạt được những thành tựu ấn tượng, vượt xa nhiều quốc gia đã bị tụt lại trong đại dịch.
Xếp hạng tín nhiệm nâng triển vọng của các ngân hàng lớn ở Việt Nam, cũng là một “chứng nhận” cho khả năng vượt thách thức COVID-19 của ngành ngân hàng khi trước đó, trong đầu 2020 và giữa đại dịch, hãng tín nhiệm này đã xem xét hạ bậc tín nhiệm của 3 Công ty tài chính, 2 ngân hàng. Và trong tháng 4/2020, hãng đã chính thức hạ triển vọng tín nhiệm hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” xuống “tiêu cực”.
Sự thay đổi trong xếp hạng tín nhiệm sau 1 năm mặt khác, chứng minh những lo ngại của Moody’s trước đó về ảnh hưởng của COVID-19 và những áp lực căng thẳng của kinh tế vĩ mô gia tăng căng thẳng lên tín dụng, dự đoán về khả năng thu hẹp của lãi cận biên (NIM) và chi phí tín dụng tăng lên do ngành ngân hàng phải có các giải pháp hỗ trợ người vay vượt dịch, khiến lợi nhuận các tổ chức teo tóp, đã không xảy ra. Bên cạnh đó, lo ngại tín dụng ngân hàng bị giảm chất lượng do gia tăng rủi ro cho vay và nợ xấu tiềm ẩn lớn, về cơ bản, cũng đã được ngành ngân hàng khéo léo lách qua khe cửa hẹp.
Dù vậy, trên thực tế, giới chuyên môn cho rằng vẫn có nhiều ngân hàng trong hệ thống chưa trích lập dự phòng rủi ro bao nợ xấu đầy đủ, đảm bảo cho quá trình xử lý nợ xấu lộ diện – hệ quả của COVID-19 trong năm nay và tương lai. Trong khi đó, tại lúc này, gần kết thúc quý I/2021, việc sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (Thông tư 01), được thực hiện trên cơ sở tổng hợp, nghiên cứu đề xuất của các TCTD, chi nhánh NHNg, các doanh nghiệp, lại vẫn chưa được cơ quan quản lý chính thức ban hành. Chưa có chính sách sửa đổi mới được thông qua, thì các tổ chức vẫn đang phải hoạt động và tuân thủ theo Thông tư 01, vốn có hiệu lực tròn 1 năm 7 ngày và nhiều quy định đến nay đã không còn phù hợp.