Công ty công nghệ tài chính Stripe đã công bố khoản tài trợ 600 triệu USD, đồng thời nâng mức định giá lên tới 95 tỷ USD. Đây là công ty Unicorn được định giá cao thứ ba thế giới, chỉ đứng sau Bytedance và Ant Group.
Các nhà đầu tư tham gia tài trợ bao gồm Allianz SE, AXA SA, Baillie Gifford, Fidelity Management & Research Co, Sequoia Capital và Cơ quan Quản lý Kho bạc Quốc gia Ireland (NTMA). Kể từ khi được cấp vốn Series A của công ty, Sequoia Capital đã tiếp tục tăng cường đầu tư.
Stripe đã vượt qua SpaceX của tỷ phú Elon Musk một cách đầy ngoạn mục
Theo đó, Stripe sẽ sử dụng số tiền này để đầu tư vào các hoạt động ở châu Âu, đặc biệt là trụ sở chính ở Dublin (Ireland), để hỗ trợ nhu cầu tăng cao của các công ty khổng lồ trên khắp châu Âu và mở rộng mạng lưới thanh toán, tài chính toàn cầu.
“Chúng tôi đang đầu tư nhiều hơn vào châu Âu trong năm nay, đặc biệt là ở Ireland”, John Collison, chủ tịch và đồng sáng lập của Stripe nói. Phó thủ tướng Ireland, Leo Varadkar, cho biết trong một tuyên bố, mối quan hệ đối tác giữa nhà nước Ireland và Stripe sẽ tạo ra hơn 1.000 việc làm trong 5 năm và thúc đẩy nền kinh tế nước này.
“Mặc dù Stripe đã xử lý hàng trăm tỷ USD mỗi năm cho hàng triệu doanh nghiệp trên toàn thế giới, nhưng cơ hội phía trước còn lớn hơn nhiều … so với khi công ty được thành lập 10 năm trước”, Dhivya Suryadevara, Giám đốc tài chính của Stripe chia sẻ.
Đối với nhiều người, Stripe không phải là một cái tên quen thuộc. Công ty này được thành lập từ năm 2010, tuy muộn nhưng đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây và trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ của Paypal.
Những người sáng lập công ty là cặp anh em người Ireland – Patrick Collison và John Collison, mục đích ban đầu nhằm bỏ qua hệ thống tài chính truyền thống và cho phép các cá nhân, doanh nghiệp thanh toán qua Internet. Vào tháng 6/2010, Stripe nhận được quỹ hạt giống từ Y. Combinator. Đến tháng 5/2011 tiếp tục nhận được 2 triệu USD từ Sequoia Capital và một số quỹ đầu tư mạo hiểm khác.
Năm 2012, một tập đoàn do Sequoia Capital dẫn đầu đã đầu tư thêm 18 triệu USD. Năm 2016, định giá tài chính công ty này đã đạt 9 tỷ USD và lên tới 20 tỷ USD vào năm 2018. Tính đến tháng 4 năm ngoái, Stripe đã được định giá 36 tỷ USD, đứng sau SpaceX của Elon Musk. Theo vòng tài trợ mới nhất, trong chưa đầy một năm, định giá của Stripe đã tăng gần hai lần và giành lấy vị trí thứ 3 của SpaceX trên bảng xếp hạng các công ty kỳ lân công nghệ hiện tại.
Stripe hiện đang hoạt động tại 42 quốc gia, 31 trong số đó là ở Châu Âu. Hoạt động kinh doanh tại nơi này rất quan trọng đối với sự phát triển gần đây của công ty, vì vậy Stripe (có trụ sở tại San Francisco) đã thành lập trụ sở thứ hai tại Dublin, Ireland và đầu tư một lượng lớn vốn từ vòng tài trợ này ở châu Âu. Ngoài thị trường châu Âu và châu Mỹ, nhiều công ty lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên lục địa châu Phi cũng đang hợp tác với nền tảng này.
Sự nổi lên của Stripe không thể tách rời thương mại điện tử. Thanh toán TMĐT xuyên biên giới đã trở thành một trong những trở ngại đối với nhiều người bán vừa và nhỏ, trong việc thiết lập các trang web thương mại điện tử độc lập. Stripe cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế Internet và tất cả các công ty đều có thể sử dụng Stripe để thu tiền thanh toán, cũng như quản lý các hoạt động kinh doanh trực tuyến.
Người mua trực tuyến có thể sử dụng thẻ tín dụng phổ thông của phương Tây, chẳng hạn như MasterCard, VISA, American Express…hoặc sử dụng Alipay và WeChat, những thứ mà người dùng Trung Quốc quen dùng để thực hiện thanh toán mua sắm trực tuyến. Stripe thu hoa hồng từ mỗi giao dịch và tính phí “2,9% + 0,3 USD” cho mỗi giao dịch thành công. Các công ty đối tác của kỳ lân công nghệ này đông đảo và đa dạng về quy mô, trong đó bao gồm Amazon, Google, Microsoft hay các ứng dụng gọi xe như Didi của Trung Quốc và Grab tại ĐNÁ.
Gần đây, Stripe cũng đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang tài chính ngân hành khi hợp tác với Citigroup, Goldman Sachs, Barclays Investment Bank để cung cấp dịch vụ tài khoản séc thông qua các công ty thương mại điện tử. Đại dịch bắt đầu vào năm ngoái đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử toàn cầu, khiến các nền tảng thanh toán kỹ thuật số thậm chí còn được ưa chuộng đầu tư hơn. Thống kê cho thấy kể từ khi xảy ra dịch bệnh, hơn 200.000 công ty mới ở châu Âu đã đăng ký trên nền tảng Stripe.
Mặc dù định giá của Stripe gia tăng nhanh chóng, nhưng công ty hiện không muốn bước chân vào thị trường vốn. Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, các giám đốc điều hành công ty cho biết, trọng tâm của hoạt động tài trợ ngắn hạn cho Stripe không phải là IPO và hợp tác với các nhà đầu tư dài hạn có cùng chí hướng. “Trong 10 năm tới hoặc thậm chí lâu hơn, sẽ còn rất nhiều điều thú vị”, Dhivya Suryadevara hé lộ.