“Chỉ trong vài tháng, chúng tôi đã xóa bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, vốn đã hình thành trong nhiều năm” – ông Josep Borrell nói trong cuộc phỏng vấn với báo El Diario (Tây Ban Nha)đăng ngày 22-1, theo Hãng tin Tass.
Nhà ngoại giao hàng đầu EU cho biết: “Chúng tôi đã trải qua giai đoạn tăng giá cực kỳ căng thẳng, nhưng chúng đang quay trở lại mức giá trước chiến tranh”.
Chẳng hạn, ông Josep Borrell cho biết giá khí đốt mỗi MW giờ hiện tại đã quay về mức trước chiến sự Ukraine, vốn đã rất cao. “Nhưng mức giá cao chót vót vào tháng 8-2022 phần lớn là do nhiều căng thẳng trên thị trường gây ra” – ông nói thêm.
Ông Borrell đánh giá căng thẳng trên thị trường năng lượng hiện tại không còn do tình hình ở Ukraine gây ra. “Đó là một vấn đề cấu trúc của năng lượng, đặc biệt là sự tương quan giữa giá khí đốt và giá điện” – ông nói, đồng thời hy vọng Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sớm đưa ra đề xuất để khắc phục tình hình.
Tuy nhiên, hôm 20-1, Hãng tin Tass dẫn lời chuyên gia cho rằng EU sẽ không thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga bằng cách áp đặt lệnh cấm vận đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga.
Cụ thể, phó giáo sư Valery Andrianov tại Đại học Tài chính Nga đánh giá châu Âu đang muốn thay thế các sản phẩm dầu mỏ của Nga – chủ yếu là nhiên liệu diesel – bằng các nguồn cung từ Trung Quốc và Ấn Độ. Mỹ và Trung Đông cũng có thể tăng quy mô cung cấp các sản phẩm dầu mỏ cho EU.
“Có một câu hỏi đặt ra trong bối cảnh quan hệ phức tạp giữa phương Tây và Trung Quốc, đó là liệu châu Âu có thể đặt sự tin cậy nhiều hơn vào các yếu tố địa chính trị khó dự đoán?” – phó giáo sư Valery Andrianov đặt vấn đề.
Ông Andrianov giải thích phần lớn nhiên liệu xuất khẩu của Nga được đưa tới các thị trường phương Tây. Các nước phương Tây chiếm tới 89,5% tổng số sản phẩm dầu mỏ do Nga xuất khẩu, trong khi chỉ 10,5% trong số đó được chuyển đến phương Đông.