Khóc ròng vì chi phí và thiếu vốn
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho rằng, việc Bộ Tài chính thông báo điều chỉnh phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam của các mặt hàng xăng dầu có mức tăng thêm chỉ từ 60-560 đồng/lít tùy theo từng mặt hàng từ ngày 11/11, cho thấy những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp xăng dầu sẽ còn kéo dài.
Theo vị này, mức điều chỉnh như vậy chưa sát với diễn biến thị trường khiến các chi phí giá cơ sở từ khâu nhập khẩu đến khâu bán lẻ của doanh nghiệp không được tính đúng, tính đủ. Việc doanh nghiệp bị lỗ ngay sau điều chỉnh chi phí sẽ khiến doanh nghiệp đầu mối tư nhân, các thương nhân phân phối tiếp tục khó khăn, lỗ nặng. Theo đó việc nhập hàng chắc chắn sẽ vẫn bị ảnh hưởng.
Theo tính toán của doanh nghiệp, tổng chi phí nhập khẩu đưa xăng dầu về cảng Việt Nam với giá bình quân nhập khẩu của quý IV đang ở trong khoảng hơn 4.000 đồng/lít đối với xăng và 2.100 đồng/lít đối với dầu. Trong khi các khoản chi phí mới được Bộ Tài chính bù đắp ở mức 640 đồng/lít với xăng nền để phối trộn xăng E5 RON 92. Với cách tính này, doanh nghiệp vẫn bị lỗ rất nặng nếu chỉ cần tính trên mỗi lít xăng, dầu được nhập về.
Còn nếu tính tổng thể các khoản chi phí từ khâu nhập khẩu đến khâu lưu thông, mức lỗ của doanh nghiệp còn lớn hơn, chi phí ước tính lên tới hơn 5.000 đồng/lít với mặt hàng xăng và hơn 3.500 đồng/lít với dầu diesel.
“Việc Bộ Công Thương và Tài chính không tính đúng các chi phí thực tế của doanh nghiệp sẽ khiến thị trường còn khó khăn. Việc tiếp tục điều chỉnh chi phí cần được Bộ Tài chính tính tiếp vào kỳ điều hành ngày 21/11 tới”, vị này nói.
Trong báo cáo gửi Bộ Tài chính, và Bộ Công Thương cách đây ít ngày, một doanh nghiệp đầu mối đại diện cho 45 thương nhân phân phối và 43 đại lý bán lẻ cùng một loạt các thương nhân phân phối ở khu vực phía Bắc đã đề nghị Bộ Tài chính cấp bách xem xét giải quyết những bất cập trong tính chi phí cho doanh nghiệp bằng cách tính đúng, tính đủ chi phí.
Nhóm các doanh nghiệp này cũng đề nghị sửa đổi sớm Nghị định 95 cho phù hợp với cơ chế điều hành kinh doanh xăng dầu của Nhà nước và thích ứng với sự biến động của thị trường xăng dầu thế giới. Cùng đó, đề nghị Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cấp thêm hạn mức tín dụng để doanh nghiệp đầu mối nhập hàng theo lượng phân giao tối thiểu Quý 4 của Bộ Công Thương.
Về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Công Minh (Bắc Giang) cho hay, để giải quyết vấn đề thiếu xăng dầu, cơ quan quản lý cần thực hiện 2 giải pháp then chốt: Tính đủ chi phí cho doanh nghiệp, không thể để doanh nghiệp bán lỗ mãi và chỉ đạo các ngân hàng thương mại cấp vốn tín dụng theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp.
Theo ông Minh, theo tính toán, cơ quan quản lý nên tăng chi phí lưu thông (tính từ kho xăng dầu đầu mối đến các đại lý, cửa hàng bán lẻ) ở mức 1.500 đồng/lít với hệ thống đại lý vùng 1. Còn chi phí đối với hệ thống đại lý vùng 2 phải là 1.900 đồng/lít mới may ra đủ chi phí cho doanh nghiệp tồn tại.
Cùng kêu khổ vì không nhập được xăng, dầu từ đầu mối, đại diện một doanh nghiệp sở hữu 16 cửa hàng xăng dầu trực thuộc ở khu vực Cần Thơ và các địa phương lân cận cho biết, để đáp ứng lượng bán trong hệ thống, mỗi ngày doanh nghiệp cần tối thiểu 40m3 xăng và 20m 3 dầu.
Tuy nhiên, trong gần nửa đầu tháng 10, công ty chỉ được mua 80m 3 dầu diesel, 200m3 xăng RON A95, 10m3 xăng E5 RON A92. Nếu tính bình quân, mỗi ngày cả công ty chỉ nhận được 21m3 xăng RON A95, dầu diesel là 8m3 và xăng E5 RON A92 chỉ đạt 1m3.
Đến tuần cuối của tháng 10, lượng hàng công ty mua được còn giảm mạnh. Nguồn hàng từ đầu mối không có, khiến công ty cũng vì vậy luôn trong cảnh hết hàng phải nghỉ bán.
“Hạn mức tín dụng của Công ty Công Minh được cấp tại các Ngân hàng thương mại đủ điều kiện giải ngân thời điểm hiện tại là 955 tỷ đồng. Công ty còn dư nợ tại ngân hàng 327 tỷ đồng và hạn mức còn lại là 628 tỷ đồng chưa được giải ngân. Hiện công ty cần sử dụng hạn mức để nhập hàng lưu trữ phục vụ hệ thống phân phối, tuy nhiên các ngân hàng không có vốn (thực chất là hết room tín dụng – PV) để giải ngân”.
Ông Nguyễn Công Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Công Minh (Bắc Giang)
Vẫn lo thiếu nguồn
Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho biết, về cơ bản ngân hàng đã đồng ý cho tăng hạn mức tín dụng với điều kiện doanh nghiệp phải tuân thủ đầy đủ các quy định.
Tuy nhiên, nếu xét theo tình hình hiện nay, trong số 33 đầu mối, chỉ có khoảng hơn 10 doanh nghiệp đủ điều kiện để được ngân hàng mở hầu bao cho vay, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp Nhà nước. Còn với doanh nghiệp tư nhân , việc vay vốn sẽ là bất khả khi không còn tài sản đảm bảo.
“Nguồn vốn, tài sản hiện hữu đã “ cắm”ngân hàng từ trước nên với tiêu chí cho vay có tài sản đảm bảo thì doanh nghiệp đầu mối tư nhân sẽ mắc kẹt hết. Chưa kể, giờ muốn mua xăng dầu để đảm bảo hạn mức phân giao của Bộ Công Thương, doanh nghiệp phải cần lượng tiền lớn hơn thực tế rất nhiều để bù vào việc bán lỗ.
Với vòng luẩn quẩn này, doanh nghiệp Nhà nước sẽ phải tiếp tục gánh thị trường trong thời gian dài nữa. Cách điều chỉnh chi phí vừa qua mới chỉ là xử lý phần ngọn thôi”, vị này khẳng định.
Cũng theo các doanh nghiệp đầu mối, trong kinh doanh xăng dầu, kể cả khi được Bộ Công Thương phân giao hạn ngạch, các doanh nghiệp khi nhập hàng, nếu có, cũng chỉ nhập thêm trong khoảng 5 %. Nên khi hệ thống các doanh nghiệp tư nhân dừng bán là lập tức các doanh nghiệp lớn đến mấy cũng liêu xiêu. Vì vậy, giải pháp duy nhất để đảm bảo thị trường chính là phải tính đủ chi phí cho doanh nghiệp.
Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu cho rằng, cơ quan quản lý cần sớm xử lý những trường hợp các đầu mối không thực hiện và có vi phạm trong nhập khẩu xăng dầu như: Công ty TNHH Petro Bình Minh; Công ty TNHH Hải Linh; Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh cùng những doanh nghiệp tạm thời chưa bị thu giấy phép thời gian qua để làm gương cho thị trường.